Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với sự tâm huyết, các giáo viên Trường Tiểu học Thạch Vĩnh (xã Lưu Vĩnh Sơn - Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã và đang nỗ lực đưa dân ca vào trường học nhằm phát huy, lưu giữ giá trị văn hóa, giáo dục lòng tự hào cho thế hệ trẻ đối với di sản của cha ông.

Được đào tạo chuyên ngành âm nhạc, lại có niềm đam mê với bộ môn này nên suốt những năm gắn bó với nghề giáo, cô Phan Thị Minh Nguyệt (giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thạch Vĩnh) luôn tâm huyết trong việc truyền thụ kiến thức âm nhạc, đặc biệt là tình yêu với những khúc hát dân ca cho các thế hệ học trò.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Những tiết học âm nhạc trở nên hứng thú với học sinh khi giáo viên lồng ghép dân ca.

“Dân ca là tài sản văn hóa quý báu của cha ông nhưng không dễ phổ biến như các thể loại âm nhạc khác. Để khơi dậy được tình yêu, sự say mê của học trò với dân ca đòi hỏi giáo viên âm nhạc phải sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy” - cô Nguyệt chia sẻ.

Dựa trên các làn điệu dân ca ví, giặm, cô Nguyệt đã sáng tác nhiều lời mới với nội dung về ngành giáo dục, về tình thầy trò, mái trường thân yêu… Các ca khúc mới với làn điệu dân ca mượt mà, da diết trở nên gần gũi, thân thuộc với giáo viên, học sinh. Nhiều tiết mục do cô trò nhà trường dàn dựng đã được biểu diễn trong các chương trình chào mừng, kỷ niệm của nhà trường, địa phương.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Nhiều tiết mục văn nghệ do cô trò nhà trường dàn dựng và biểu diễn.

Không chỉ tích cực lồng ghép dân ca vào các tiết học âm nhạc, cô Nguyệt cùng các đồng nghiệp của mình đã dày công xây dựng phần mềm E.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví – giặm Nghệ Tĩnh”.

Đây là phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng bài giảng điện tử hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, học sinh. Với bài giảng E.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh”, giáo viên đã tích hợp được nhiều yếu tố như chữ viết, âm thanh, hình ảnh…

Qua cách trình bày sinh động, mạch lạc, người xem sẽ dễ dàng tiếp cận với các nội dung về nguồn gốc, phân loại các làn điệu dân ca; giá trị của làn điệu trong đời sống văn hóa; những làn điệu tiêu biểu…

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Giao diện bài giảng e.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh” của các cô giáo Trường Tiểu học Thạch vĩnh.

Là giáo viên dạy mỹ thuật nhưng cô Lê Thu Thủy - đồng nghiệp của cô Nguyệt, là một trong những người hỗ trợ đắc lực và rất tâm huyết với “dự án” này. Cô Thủy chia sẻ: “Với sự tạo điều kiện của ban giám hiệu, sự hỗ trợ tích cực của giáo viên tin học, công trình của chúng tôi đã hoàn thành. Dù đã rất cố gắng nhưng sự thiếu thốn về trang thiết bị, trình độ kỹ thuật nên bài giảng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhóm thực hiện chỉ mong muốn giúp học sinh dễ dàng hơn trong tiếp cận, cảm thụ âm nhạc truyền thống, góp phần bảo tồn, lưu giữ dân ca ví, giặm quê nhà”.

Công trình đầy tâm huyết của các cô giáo Trường Tiểu học Thạch Vĩnh đã từng giành giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi thiết kế bài giảng e.learning năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Bài giảng cũng đã được cập nhật trên các trang trực tuyến, tiện lợi cho việc truy cập của giáo viên, học sinh và những người có nhu cầu tìm hiểu.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Hoạt động ca múa hát sân trường của giáo viên, học sinh nhà trường.

Dù rất tâm huyết với hoạt động phát triển dân ca trong nhà trường nhưng các cô giáo cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy. Cô Minh Nguyệt cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên, eo hẹp về thời gian hạn chế rất nhiều đến việc bố trí các tiết dạy âm nhạc có lồng ghép dân ca ví, giặm. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thực hành biểu diễn dân ca cũng không đơn giản vì phải đầu tư tập luyện, trang phục...”.

Còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu, sự tâm huyết với âm nhạc truyền thống, các cô giáo của Trường Tiểu học Thạch Vĩnh vẫn mong muốn góp một phần nhỏ bé công sức, trí tuệ của mình để lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm quê nhà.

Chủ đề Nghệ thuật quần chúng

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.