Túi khí là một trong những hệ thống an toàn quan trọng của ôtô, có tác dụng hạn chế chấn thương cho hành khách khi xảy ra va chạm. Trải qua hơn nửa thập kỷ nghiên cứu và phát triển, túi khí giờ đây đã trở thành trang bị phổ biến và cơ bản trên các mẫu xe.
Dù vậy, không ít người dùng vẫn có những hiểu lầm về túi khí, từ đó gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và hành khách trên xe.
Túi khí chỉ bung khi cài dây an toàn
Không ít người cho rằng túi khí sẽ không bung nếu không cài dây an toàn. Trong khi đó trên phần lớn các mẫu xe, hai bộ phận này hoạt động độc lập với nhau. Túi khí bung hay không phụ thuộc vào các thông số vận tốc, hướng và mức độ va chạm của xe do hệ thống cảm biến túi khí tiếp nhận được.
Vì vậy, túi khí sẽ bung khi đúng mức độ và hướng va chạm, dù hành khách có cài dây an toàn hay không.
Có túi khí thì không cần cài dây an toàn
Như đã nói ở trên, túi khí và dây an toàn là hai bộ phận độc lập, dựa trên các thông số khác nhau để bảo vệ hành khách và không có tác dụng thay thế cho nhau. Bên cạnh đó, túi khí cũng được xem như trang bị nhằm nâng cao hiệu quả của dây an toàn.
Trên thực tế, các bài kiểm tra va chạm trong trường hợp hành khách có và không cài dây an toàn cho thấy khi xảy ra tai nạn, người ngồi trên xe không cài dây an toàn mà chỉ có túi khí bung, những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là tử vong, vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân gây thương vọng đến chính từ việc hành khách va chạm với túi khí bung ra ở tốc độ cao, xấp xỉ 200 km/h.
Ô tô nào cũng có túi khí
Nếu tại nhiều quốc gia, túi khí là trang bị an toàn bắt buộc trên ôtô thì ở một số đất nước, trong đó có Việt Nam, lại chưa áp dụng quy định này. Trên không ít mẫu xe, đặc biệt là các mẫu xe hạng A, sedan hạng B hay MPV bản thiếu giá rẻ thường được mua để phục vụ kinh doanh, túi khí là một trong những option bị cắt giảm.
Cho trẻ em ngồi hoặc đứng ở hàng ghế trước
Tại nhiều quốc gia, việc cho trẻ em ngồi hoặc đứng ở hàng ghế trước bị nghiêm cấm. Nguyên nhân bởi trẻ em dễ bị sát thương bởi túi khí thay vì được đảm bảo an toàn hơn.
Ghế ngồi trẻ em dành cho ôtô. |
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ em đứng hoặc ngồi sát táp-lô, nếu xảy ra va chạm và túi khí trước bung với tốc độ cao, những tổn thương do túi khí bung gây ra sẽ rất nghiêm trọng.
Do đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên được đặt nằm trên ghế trẻ em dành cho ôtô, cài cố định ở hàng ghế sau, với phần lưng ghế quay về phía táp-lô. Trẻ em lớn tuổi hơn cũng nên ngồi ở hàng ghế sau và trong trường hợp bất khả kháng phải ngồi ở hàng ghế trước, người dùng nên kéo lùi ghế về phía sau một chút.
Gác chân hoặc tựa đầu gối lên táp-lô
Tương tự việc cho trẻ em ngồi hoặc đứng sát táp-lô, việc gác chân hoặc tựa đầu gối lên táp-lô cũng có thể khiến hành khách gặp phải những tổn thương nghiêm trọng hơn trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Phim chụp X-quang một hành khách bị túi khí gây tổn thương do gác chân lên táp-lô. Ảnh: Wales News Service. |
Năm 2015, một người phụ nữ tên Audra Tatum (Georgia, Mỹ) đã bị tàn phế vĩnh viễn sau một vụ va chạm giao thông nhẹ. Nguyên nhân bởi cô đã gác chân lên táp-lô, túi khí bung hất ngược chân cô đập vào mặt, khiến mũi, mắt cá chân và xương đùi của cô bị gãy.
Đặt nhiều vật dụng lên trên táp-lô
Nhiều chủ xe có thói quen đặt nước hoa ôtô hoặc các đồ vật trang trí lên phía trên táp-lô. Những đồ vật này có thể gây cản trở tầm nhìn hoặc làm người lái mất tập trung. Bên cạnh đó, khi xảy ra va chạm và túi khí trước bung với tốc độ cao, các món đồ trang trí có thể văng trúng hành khách, gây thêm những tổn thương.