Những mạng lưới ngầm mà 'Hồ sơ Panama' phơi bày

Đối tượng có dính líu tới vụ cướp thế kỷ ở Anh hay ông trùm ma túy khét tiếng Mexico là hai trong rất nhiều cái tên xuất hiện trong "Hồ sơ Panama", tài liệu bị rò rỉ lớn nhất trong lịch sử về các công ty "ma" ở nước ngoài.

11,5 triệu chứng từ thuế của Mossack Fonseca, một công ty luật tại Panama, vừa được công bố, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra để giúp người giàu trốn thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền.

Tài liệu đề cập đến hơn 140 chính trị gia tại 50 nước. Hàng loạt người nổi tiếng trong giới thể thao hay điện ảnh như Michel Platini, Jackie Chan hay Lionel Messi cũng xuất hiện trong danh sách với tư cách khách hàng của Mossack Fonseca. Số tài liệu trên được gọi ngắn gọn là "Hồ sơ Panama".

Ramon Fonseca, người đồng sáng lập Mossack Fonseca, cho hay những người có mối liên hệ với các công ty "ma" kể trên không phải khách hàng của họ.

"Đó là khách của các ngân hàng trung gian, mua một trong những công ty hợp nhất của chúng tôi rồi bán lại và họ dùng nó để làm gì thì không ai biết", ông Fonseca nói với một kênh truyền hình Panama.

Dù vậy, các tài liệu vừa bị rò rỉ cũng phần nào cho thấy quy mô cũng như mức độ bao phủ rộng khắp của mạng lưới mà Mossack Fonseca vận hành. Dưới đây là một số dẫn chứng tiêu biểu, theo đánh giá của NBC News.

Vụ cướp thế kỷ

Nhà kho Brink's-Mat, gần sân bay Heathrow, Anh, nơi xảy ra vụ cướp thế kỷ. Ảnh: Daily Herald Archive
Nhà kho Brink's-Mat, gần sân bay Heathrow, Anh, nơi xảy ra vụ cướp thế kỷ. Ảnh: Daily Herald Archive

Tháng 11/1983, 6 tên cướp xông vào nhà kho Brink's-Mat tại sân bay Heathrow ở London với dự định ăn cắp 3 triệu bảng Anh (4,3 triệu USD) tiền mặt. Tuy nhiên, khi đến nơi, chúng phát hiện ra rằng, ngoài tiền mặt, nơi đây còn có rất nhiều vàng thỏi và kim cương. Cả nhóm đã vơ vét tổng cộng ba tấn vàng, trị giá tới 100 triệu USD nếu quy đổi ra giá trị hiện thời, hai hộp kim cương cùng vô số cọc tiền mặt. Băng cướp đã bị bắt giữ nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy phần lớn số tài sản bị chúng lấy đi.

Theo các tài liệu vừa được công bố, Mossack Fonseca và người sáng lập của công ty này là Jurgen Mossack đã giúp bảo vệ một công ty "ma" thuộc quyền sở hữu của một trong những người tham gia phi vụ cách đây hơn 30 năm.

Mossack Fonseca thành lập một công ty mang tên Feberion Inc và để Mossack làm giám đốc trên danh nghĩa. Mossack đã viết trong một bản ghi nhớ đề cập đến việc Feberion "rõ ràng có liên quan đến hoạt động quản lý tiền từ vụ trộm nổi tiếng ở Brink's-Mat", theo Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ). Thế nhưng, Mossack Fonseca vẫn ngăn chặn chính quyền tịch thu công ty này. Chỉ sau khi Gordon Parry, kẻ rửa tiền trong phi vụ, bị kết án vào năm 1992, Mossack Fonseca mới cắt đứt mọi kết nối với Feberion.

Bê bối hạ bệ tổng thống Mỹ Nixon

Trong lúc Mossack Fonseca đang cố gắng để bảo vệ Feberion khỏi các nhà điều tra vụ Brink's-Mat, Jurgen Mossack bất ngờ rút khỏi ban quản trị của công ty và lên kế hoạch chỉ định người kế nhiệm từ một công ty khác cũng đặt tại Panama. Công ty này do một người Mỹ tên Gilbert R.J. Straub điều hành.

Trong một cuộc phỏng vấn với ICIJ, Robert Mazur, cựu nhân viên thuộc Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), cho biết ông có thời gian điều tra Straub trong một phi vụ rửa tiền. Khi Mazur còn hoạt động ngầm, Straub đã khoe khoang rằng ông ta từng chuyển trái phép 50.000 USD để trả cho những kẻ cướp đột nhập vào văn phòng Ủy ban Dân chủ Quốc gia tại khu phức hợp Watergate ở Washington hồi tháng 6/1972. Vụ nghe lén đối thủ thời điểm ấy làm bùng phát một bê bối chính trị lớn khiến tổng thống đảng Cộng hòa Richard Nixon phải từ chức.

Bất động sản vàng ở Miami

Tội phạm ở nước ngoài hay chọn cách mua các bất động sản vàng ở Miami, Mỹ, để che giấu những khoản lợi nhuận bất hợp pháp. Ảnh minh họa: Bloomberg
Tội phạm ở nước ngoài hay chọn cách mua các bất động sản vàng ở Miami, Mỹ, để che giấu những khoản lợi nhuận bất hợp pháp. Ảnh minh họa: Bloomberg

Nhà chức trách Mỹ từ lâu đã nghi ngờ về việc tội phạm ở nước ngoài che giấu những khoản lợi nhuận bất hợp pháp bằng cách bí mật mua các ngôi nhà siêu đắt đỏ ở quốc gia này, đặc biệt là tại Miami. "Hồ sơ Panama" phơi bày những chứng cứ ban đầu.

Một số tài liệu cho thấy Paulo Octávio Alves Pereira, chính trị gia người Brazil đang bị buộc tội tham nhũng, là chủ sở hữu một công ty nước ngoài, được thành lập dưới sự hỗ trợ của Mossack Fonseca. Công ty này đã mua một tòa nhà hướng biển trị giá ba triệu USD ở Miami.

Tờ Miami Herald, một thành viên của ICIJ, đưa tin, các tài liệu rò rỉ còn hé lộ về 18 công dân nước ngoài khác đã lập các công ty "ma" để mua những bất động sản siêu sang tại thành phố biển Miami. 8 người trong số này bị tình nghi dính líu đến các hoạt động phi pháp tại chính quê hương họ. Tuy nhiên, theo tờ báo trên, "Hồ sơ Panama" không chứa bằng chứng cho thấy những ngôi nhà đó được mua bằng "tiền bẩn".

Trùm ma túy Mexico

Rafael Caro Quintero (giữa), một trong những trùm ma túy quyền lực nhất Mexico, cũng có tên trong "Hồ sơ Panama". Ảnh: AFP
Rafael Caro Quintero (giữa), một trong những trùm ma túy quyền lực nhất Mexico, cũng có tên trong "Hồ sơ Panama". Ảnh: AFP

Rafael Caro Quintero, một trong những trùm ma túy quyền lực nhất Mexico, bị kết án năm 1989 vì tra tấn và giết hại "Kiki" Camarena, một nhân viên DEA. Khi cơ quan chức năng kiểm kê tài sản của Quintero, người ta phát hiện ra một khối bất động sản ở Costa Rica thuộc về một công ty nước ngoài thành lập bởi Mossack Fonseca, theo ICIJ.

Chính quyền Costa Rica đề nghị Mossack Fonseca trợ giúp nhưng công ty luật này từ chối với lý do họ không thể làm gì nếu không có sự can thiệp của cổ đông công ty trên, Australian Financial Review, thành viên ICIJ, cho hay. Mossack Fonseca nói với nhà chức trách rằng họ không biết các cổ đông này là ai. Nhưng theo những bức thư điện tử bị rò rỉ trong "Hồ sơ Panama", thực chất, một luật sư thuộc Mossack Fonseca biết rõ Caro Quintero chính là chủ của công ty này.

Jurgan Mossack, một trong ba giám đốc trên giấy tờ của Mossack Fonseca, còn từng đề cập đến nỗi lo sợ trước quyền lực trong tay Caro Quinero. Trùm ma túy Colombia Pablo Escobar chẳng là gì so với Quintero, Jurgan Mossack viết. "Tôi không muốn mình nằm trong số những người mà Quintero đến thăm sau khi ra tù".

Xem thêm:6 câu hỏi về Hồ sơ Panama

Chiêu thức công ty Panama giúp giới giàu trốn thuế

Theo Vũ Hoàng/VnExpress

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.