Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu (áo trắng) hướng dẫn công nhân chăm sóc đàn lợn sau cai sữa...
Từng đeo ba lô, mang vũ khí lên đường đánh giặc cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giải ngũ về địa phương, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Sửu (75 tuổi, thôn Tiến Châu, xã Thạch Châu) trở thành một doanh nhân thành đạt. Hiện nay, ông là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn, Đầu tư và Xây dựng Miền Trung - một doanh nghiệp đã tạo ra được nhiều dấu ấn lớn trên nhiều công trình cả trong và ngoài tỉnh với doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
CCB Nguyễn Văn Sửu cho hay: "Với mong muốn tạo việc làm cho bà con, nhất là các CCB địa phương, cách đây 5 năm, tôi mở trang trại nuôi lợn tập trung ở xã Tân Lộc (Lộc Hà). Hiện nay, khu trang trại đang nuôi theo hình thức khép kín với 320 con nái, mỗi năm xuất chuồng 540 tấn lợn thương phẩm, doanh thu 35 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 13 lao động với mức lương khoảng 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm, mô hình nuôi lợn của CCB Nguyễn Văn Sửu xuất chuồng 540 tấn lợn thương phẩm.
CCB Phan Công Hiền (66 tuổi, thôn Minh Ngọc, xã Thạch Châu) cũng là một tấm gương sáng trên mặt trận kinh tế. Bằng những kiến thức có được trong 7 năm ở đơn vị bộ đội làm kinh tế, ông đã về quê tiếp tục tự mày mò, học hỏi, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật về nghề mộc.
Ông Phan Công Hiền cho biết: "Hiện, khu xưởng của tôi có diện tích hơn 2.000 m2, sản xuất đầy đủ các mặt hàng dân dụng, giải quyết việc làm 10 lao động với mức lương trên 15 triệu đồng/người/tháng, doanh thu gần chục tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm".
Xưởng mộc của CCB Phan Công Hiền (ngoài cùng bên phải) có đầy đủ các mặt hàng dân dụng, từ đơn giản đến cao cấp.
Đặc biệt, dù không một ngày nào được đào tạo, học nghề chính thức nhưng CCB Phan Công Hiền được xem là người đặt nền móng cho nghề mộc trong vùng. "Không chỉ tạo việc làm cho con em đồng đội, các CCB, bà con làng xóm mà ông còn uốn nắn, chỉ dạy để họ trở thành những người thợ giỏi. Trong số đó đã có hơn 10 người tự tách ra mở xưởng mộc riêng, làm ăn khấm khá.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín của CCB Trần Thị Long (thị trấn Lộc Hà) mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cũng từng gắn bó 4 năm trong môi trường quân ngũ, bà Trần Thị Long (65 tuổi, ở tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà) trở về quê hương và gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản ở cửa sông. Sau hàng chục năm gắn bó với sông nước, con cua, con cá, gia đình bà đã trở thành một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản lớn nhất trên địa bàn.
Hiện khu nuôi trồng 5,5 ha của gia đình đã có hơn 1 ha nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ cao; mỗi năm doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội CCB Lộc Hà Lê Văn Sao thăm hỏi, động viên các hội viên chăm lo làm ăn, phát triển các mô hình kinh tế...
Ông Lê Văn Sao - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Lộc Hà cho biết: “Để giúp đỡ đồng đội, hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên khấm khá, giàu có, chúng tôi thường xuyên động viên, giúp đỡ, đồng hành. Đến thời điểm này, toàn huyện đang có hơn 100 CCB là giám đốc doanh nghiệp, đứng đầu các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ các trang trại giàu có, mỗi năm doanh thu từ 300 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng”.
"Với phẩm chất của những người lính Cụ Hồ, nhiều CCB trên quê hương Lộc Hà đều là những tấm gương tiêu biểu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho chính hội viên, người dân và địa phương” - ông Lê Văn Sao tự hào.