Để có được kết quả ấy, những người lính biên phòng nơi đây đã phải ngày đêm hi sinh thầm lặng, ươm mầm hạnh phúc, đi tìm lời giải cho hôn nhân cận huyết...
Bản mới Rào Tre giàu sức sống với những nếp nhà sàn khang trang, sạch sẽ và những gia đình "xé rào" xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết...
Trong căn nhà sàn mới tinh tươm, chị Hồ Thị Đình Xuân nhớ về mối tình đầy gian nan khi “xé rào” để tìm bến đỗ bình yên của mình. Ngày đó, Xuân là hoa khôi của bản Rào Tre, lại từng tốt nghiệp Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Quân đội nên có nhiều trai bản ngưỡng mộ.
Nhưng qua những lần Đồn Biên phòng Bản Giàng tổ chức hội hè, giao lưu văn hóa, văn nghệ cô đã được tiếp xúc, làm quen, rồi dần cảm mến chàng trai người dân tộc Kinh là Võ Quốc Ánh ở cách bản không xa. Tình yêu đôi lứa nảy nở không ngừng, nhưng do định kiến xã hội, tâm lý “bài ngoại” và nhiều rào cản khác chưa thể vượt qua nên đôi trẻ nhiều lần bị cấm cản...
Niềm hạnh phúc giản dị của vợ chồng Hồ Thị Đình Xuân và Võ Quốc Ánh, khi vợ chuẩn bị nhóm bếp, chồng mổ cá vừa đi câu về để chuẩn bị cho bữa cơm trưa....
Những trước tình yêu chân thành của đôi bạn trẻ và trách nhiệm bảo vệ giống nòi cho đồng bào dân tộc thiểu số, những người lính biên phòng đã đến tận nhà, gặp gỡ từng người giải thích cho các bên nghe, hiểu, chia sẻ và đồng cảm để cùng vun đắp hạnh phúc cho đôi lứa. Khi tư tưởng đã thông, các anh lại bận bịu với việc lễ lạt, tổ chức đám cưới và nhiều công việc khác để se duyên cho đôi trẻ. Hạnh phúc đã viên mãn, vợ chồng trẻ lại được các anh giúp đỡ cửa nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc con cái...
Rạng người hạnh phúc bên chồng, Xuân khoe: “Mặc dù gặp nhiều sóng gió, nhưng nhờ các chú bộ đội biên phòng nên chúng em đã đến được với nhau, vun đắp tình yêu thêm bền vững, mọi người trong đại gia đình chia sẻ và hiểu nhau hơn. Hiện nay, chúng em đã có bé trai hơn 2 tuổi khỏe mạnh, thông minh, rất đáng yêu và luôn quấn quýt bên bà nội không rời. Ngoài giúp chúng em có được cuộc sống hạnh phúc thì nhờ các chú, các anh mà cuộc sống của bọn em dần khá lên, trồng được 2 ha rừng, nuôi được bò và gà, chồng có việc làm thuê thường xuyên...”
Đồn Biên phòng Bản Giàng tổ chức lễ cưới đầy ý nghĩa và ngập tràn niềm vụ cho chú rể Hồ Sỹ (ở bản Rào Tre) và cô dâu Nguyễn Thị Thành Vinh, ở xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc) cách đây hơn nửa năm...
Trung tá Trần Văn Anh - Phó Chỉ huy trưởng Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết: “Ngoài việc hướng đến hôn nhân với người Kinh ở trên địa bàn, chúng tôi còn tạo điều kiện, định hướng để các trai bản vượt núi rừng vào các bản xa xôi ở huyện Chiêm Hóa (Quảng Bình) kiếm vợ. Nhờ vậy, trong 4 năm qua, ở bản Rào Tre có 8 đám cưới thì có 6 cặp vợ chồng đã tránh được tập tục hôn nhân cận huyết. Trong các đám cưới này, chúng tôi luôn phải đảm nhận và làm tròn rất nhiều vai, từ mai mối đến tổ chức, vừa là đại diện nhà nội, vừa là đại diện nhà ngoại, vừa là khách, vừa là chủ... Thậm chí, có lần tôi còn trở thành lái xe chở chú rể đi hàng trăm cây số vào tận bản Cà Xen, huyện Tuyên Hóa đón dâu...”
Bộ đội Biên phòng hỗ trợ giống chuối để bà con trong bản trồng cải thiện canh tác, nâng cao cuộc sống
Nhờ những “ông mối” mát tay và tấm lòng, trách nhiệm của những người lính nơi biên cương của Đồn Biên phòng Bản Giàng nên dưới chân núi Ka Đay hùng vĩ đã có nhiều nếp nhà sàn khang trang, sạch đẹp của đồng bào dân tộc Chứt. Thanh niên của bản cũng đã chí thú đi làm ăn, mở rộng giao lưu, ít tụ tập rượi chè như trước. Đặc biệt, 5/6 cặp vợ chồng đã “xé rào” xóa bỏ hôn nhân cận huyết đã có “sản phẩm” bụ bẩm, khỏe mạnh, thông minh, thể trạng tốt...