Những người có giá trị tài sản trên 100 triệu USD được coi là thuộc giới siêu giàu. Ảnh: AFP
Dẫn số liệu của nghiên cứu, hãng tin RBK ngày 19/10 cho biết đứng đầu danh sách là Mỹ, với 9.730 người sở hữu tài sản trị giá 100 triệu USD trở lên. Trung Quốc và Ấn Độ đứng thứ 2 và thứ 3, lần lượt với 2.021 và 1.132 triệu phú. Anh đứng ở vị trí thứ 4 với 968 triệu phú và Đức giữ vị trí thứ 5 với 966 người.
Số liệu nghiên cứu chỉ ra Nga hiện có hơn 400 người sở hữu tài sản trên 100 triệu USD và đứng ở vị trí thứ 10. Một số nền kinh tế lớn khác như Pháp và Italy đều bị tuột khỏi Top 10 nước.
Họ chủ yếu là người sáng lập các công ty công nghệ và đa quốc gia, các nhà tài chính và người thừa kế tài sản. Chỉ trong 20 năm, số lượng siêu triệu phú đã tăng gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu dự báo số lượng người siêu giàu sẽ tăng nhanh ở châu Á và châu Phi trong những năm tới, có thể vượt qua Mỹ và châu Âu vào năm 2032. Các tác giả của nghiên cứu cũng dự báo Việt Nam và Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về số lượng triệu phú sở hữu ít nhất 100 triệu USD trong thập kỷ tới.
Quốc đảo Mauritius, nơi được cho là điểm đến phổ biến của các triệu phú, có thể chứng kiến số cư dân siêu giàu tăng 75% vào năm 2032. Triển vọng cũng có vẻ khả quan đối với ba quốc gia châu Phi là Rwanda, Uganda và Kenya, khi con số được dự đoán sẽ tăng hơn 55%.
Tiến sĩ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, giải thích câu lạc bộ những người có tài sản hơn 100 triệu USD được gọi là giới siêu giàu.
“Siêu triệu phú là một người giàu có đến mức họ không cần phải suy nghĩ về số tiền họ chi tiêu. Trên thực tế, mức độ giàu có mà họ đạt được có nghĩa là họ không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc. Vào cuối những năm 1990, một người cần có ít nhất 30 triệu USD để được coi là thuộc giới siêu giàu. Tuy nhiên, kể từ đó, giá trị tài sản đã tăng đáng kể. Giờ đây, khối tài sản 100 triệu USD trở thành tiêu chuẩn mới”, Tiến sĩ Steffen nói.
Andrew Amoils, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu của New World Wealth, cho biết các siêu triệu phú là nhóm người có khối tài sản lớn quan trọng nhất hiện nay.
“Ở nhiều thị trường mới nổi và các quốc gia nhỏ, số lượng tỷ phú tương đối ít. Tuy nhiên, họ lại có số lượng lớn các siêu triệu phú. Ví dụ, Kenya không có tỷ phú, nhưng có 14 siêu triệu phú. Malta chỉ có 2 tỷ phú nhưng có 26 siêu triệu phú. Do đó, nhóm siêu triệu phú phản ánh chính xác về cộng đồng “siêu giàu có” ở những quốc gia này”, chuyên gia Andrew nhận định.
Công ty tư vấn Henley & Partners nhận thấy xu hướng những triệu phú này đang tìm cách trở thành công dân toàn cầu. Tại Mỹ, số lượng người giàu quan tâm đến việc xin nhập tịch thông qua chương trình đầu tư tại các quốc gia khác tăng vọt. Dominic Volek, Giám đốc Nhóm Khách hàng Cá nhân tại Henley & Partners, cho biết công ty đang mở 3 văn phòng mới tại Los Angeles, Miami và New York để đáp ứng nhu cầu.
“Những người siêu giàu đang ngày càng theo đuổi chiến lược đa dạng hóa nơi cư trú để mở rộng cơ hội đầu tư và hoạt động kinh doanh, đồng thời linh hoạt để bảo vệ trước những rủi ro từ biến động tiền tệ đến xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và bùng phát dịch bệnh”, ông Dominic giải thích.