Đây là lần thứ 5, Ban soạn thảo đề án tổ chức lấy ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành và địa phương.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Bùi Xuân Thập đã trình bày khái quát về mục đích của đề án và đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về nội dung, bố cục để ban soạn thảo sớm hoàn thiện trình lên cấp trên.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: Cần lựa chọn ngôn ngữ có tính khoa học trong việc thể hiện nội dung đề án.
Đề án cho rằng, hiện nay, đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Tĩnh vẫn còn nghèo nàn, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và trong các tầng lớp nhân dân còn chưa đồng đều.
Môi trường văn hóa vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục. Thiếu các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực về văn hóa còn nhiều hạn chế v.v…
Ông Thái Văn Sinh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh trình bày quá trình xây dựng đề án.
Phạm vi của đề án tập trung vào thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Chương trình hành động số 1347-CTR/TU ngày 30/9/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng: Cần phải thẳng thắn chỉ rõ hạn chế trong tính cách của con người Hà Tĩnh và đề ra giải pháp để khắc phục.
Sau 3 năm xây dựng, ban soạn thảo đã tổ chức 4 cuộc lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện một số sở, ngành, địa phương. Đến nay, dự thảo đề án gồm 4 phần: Sự cần thiết và căn cứ để xây dựng đề án; thực trạng văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2035; tổ chức thực hiện.
Ông Phạm Mạnh Hiền - Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hà Tĩnh: Nên bổ sung những cơ chế đặc thù trong thu hút nhân tài văn hoá vào phần giải pháp.
Tham gia đóng góp xây dựng đề án, nhiều ý kiến đã tập trung vào một số nội dung: Nên bổ sung những cơ chế đặc thù trong thu hút nhân tài văn hóa; cần đưa vào đề án giải pháp về mối quan hệ giữa văn hóa và đạo đức; thiếu những đánh giá về hạn chế trong quản lý văn hóa;
Cần gắn xây dựng con người với phát triển kinh tế; đặt văn hóa và con người Hà Tĩnh trong dòng chảy văn hóa dài hơn chứ không phải chỉ trong 30 năm gần đây như đề án nêu;
Đặc biệt, cần phải thẳng thắn chỉ rõ hạn chế trong tính cách của con người Hà Tĩnh và đề ra giải pháp để khắc phục; nghiên cứu thêm về những tác động của kinh tế thị trường đối với văn hóa của người Hà Tĩnh…
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cám ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng hợp, chỉnh sửa để sớm hoàn thành đề án trình UBND tỉnh.