Địa đầu Tổ quốc – đó không chỉ là một vùng đất, đó còn là một vùng thiêng liêng trong tâm hồn bao người. Có lẽ bất kỳ người Việt nào cũng mơ ước một lần được đặt chân lên vùng thiêng liêng Hà Giang để lắng và để ươm lên trong lòng mình những nhận cảm mới về tình yêu non sông, Tổ quốc…
Hà Giang, từ bao lâu đã trở thành một nỗi tha thiết trong lòng tôi khi nghĩ về Cao nguyên đá Đồng Văn và điểm cực Bắc của Tổ quốc, nghĩ đến giây phút được đặt chân lên cột cờ Lũng Cú, nghĩ đến những vách núi dựng đứng hiểm trở mà hùng vĩ, đến những cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng…
Tôi không nhớ mình đã phải đi qua bao nhiêu địa danh, bao nhiêu đèo dốc khúc khuỷu, thăm thẳm nhưng đã kịp ghi vào tâm tư mình những nỗi xúc động không dứt. Dường như ở đây, tất cả mọi thứ đều rất dễ chạm vào cảm xúc của con người. Con đường từ thành phố Hà Giang lên Lũng Cú vắt ngang những ngọn núi tai mèo vút cao trên cao nguyên đá, lúc thì đưa chúng tôi lọt thỏm giữa những hẻm núi sâu, lúc lại “treo” chúng tôi chênh vênh trên những vách núi dựng đứng.
Rất nhiều người trong đoàn đã ồ lên thích thú khi được biết tên con đường mình đi mang tên Hạnh Phúc. Con đường Hạnh Phúc dài 185 km, bắt đầu từ thành phố Hà Giang qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tới Mèo Vạc. Con đường là công sức và cả máu xương của hơn 1.200 dân công địa phương cùng hơn 1.300 thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc (Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên - Nam Định, Hải Dương).
2 triệu ngày công trong suốt 6 năm ròng rã, họ đã phải đào đắp, di chuyển trên 3 triệu m3 đá với những công cụ hết sức thô sơ. Chúng tôi dừng lại trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng - “đệ nhất hùng quan”, nhìn xuống dòng sông Nho Quế xanh như ngọc lọt giữa những vách núi dựng đứng. Đèo Mã Pì Lèng có 9 khúc quanh uốn lượn, vách đá dựng đứng, đỉnh có độ cao trên 2.000m so mực nước biển, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút...
Đứng giữa đèo lộng gió, tôi thả trôi hồn mình để cảm nhận sâu và thật lâu sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự bền bỉ của ý chí con người. Chúng tôi chẳng ai nói với ai nhưng đôi mắt mọi người đã đều cùng truyền đi thông điệp về sự khâm phục và biết ơn. Con đường như đúng tên gọi của nó, đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho hàng vạn đồng bào dân tộc vốn bị biệt lập từ bao đời nay trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trên con đường Hạnh Phúc ấy, chúng tôi đã đi qua những cánh đồng hoa tam giác mạch như những nét vẽ nên thơ, mộc mạc trên bức tranh gồ ghề đá núi. Chúng tôi cũng gặp những cô gái, chàng trai, những em bé dân tộc thân thiện, luôn đưa tay vẫy chào du khách. Được chứng kiến lễ hội văn hóa của các dân tộc ở Mèo Vạc. Đặc biệt, được đi qua vị trí được gọi là cổng trời (Quản Bạ). Đồng hành và giới thiệu thêm với chúng tôi về các địa danh trên miền đất này, anh Nguyễn Trung Thu - Tổng Biên tập Báo Hà Giang cho hay, tên “cổng trời” bắt nguồn từ địa thế ở đỉnh đèo Pắc Sum. Nếu lên đó sẽ thấy chân trời rộng mở như bước vào thế giới thần tiên...
Tại vị trí cổng trời, năm 1939, người Pháp đã xây một bức tường đá và một cánh cửa gỗ dày án ngữ cửa ngõ đầu tiên lên Cao nguyên đá Đồng Văn với ý đồ chia tách vùng đất này ra khỏi miền Bắc nước ta thành vương quốc của người Mèo. Con đường Hạnh Phúc ấy còn đưa chúng tôi đến một địa điểm vô cùng thiêng liêng - cột cờ Lũng Cú. Tôi đã từng xúc động không biết bao nhiêu lần khi chứng kiến lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay nhưng chưa bao giờ nỗi xúc động, tự hào cứ dồn lên ứ nghẹn như tại điểm cực Bắc này. Nhất là khi tôi đã leo lên 279 bậc thang để đến chân cột rồi thêm 135 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột để lên đỉnh cột, được chạm tay vào lá cờ 54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.
Từ trên đỉnh cột cờ nhìn về phía Bắc, Đông và Tây, một vành đai núi mà phía bên kia là đất của Trung Quốc, phía bên này là đất của ta. Tôi nghĩ về lịch sử mấy nghìn năm, nghĩ về cha ông với những cuộc đấu tranh vệ quốc anh dũng, nghĩ về những người đã ngã xuống trên khắp dải đất hình chữ S và cả trên vùng đất Vị Xuyên mà chúng tôi vừa đi qua nữa. Giữa mênh mông đất trời, nghe trong tiếng cờ bay có tiếng hồn thiêng sông núi, có lời dặn dò, giục giã về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ non sông.
Hành trình của chúng tôi còn thêm thú vị hơn khi được khám phá dinh thự họ Vương ở xã Xả Phìn - được xem như viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Dinh thự do Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo xây dựng từ năm 1919 đến năm 1928, trên diện tích gần 3.000 m2.
Một ngày ngắn ngủi chưa thể trải nghiệm hết văn hóa và những danh lam thắng cảnh của Hà Giang, nhưng nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi lại ấp ủ về một chuyến trở lại. Để khám phá sâu hơn, lâu hơn về lịch sử, văn hóa, con người Hà Giang. Để lắng vào tâm tư mình nhiều hơn nữa những xúc cảm thiêng liêng khi nghĩ về đất nước…
Ảnh: đình nhất - đức cường
thiết kế: huy tùng