Quân đội Liên Xô trước kia và quân đội Nga ngày nay được đánh giá là lực lượng vũ trang có binh chủng tăng - thiết giáp mạnh nhất thế giới, vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh.
Với đặc điểm địa hình đồng bằng và thảo nguyên rộng lớn, rất thích hợp cho đội hình cơ giới quy mô lớn nên dễ hiểu tại sao Liên Xô và Nga lại chú trọng đến lực lượng thiết giáp như vậy.
Ước tính vào thời kỳ đỉnh cao, quân đội Liên Xô sở hữu tới hơn 40.000 xe tăng chủ lực và hạng nhẹ, cùng khoảng 60.000 xe thiết giáp các loại, phần nhiều trong số này hiện thuộc sở hữu của quân đội Nga.
Do số lượng sản xuất quá lớn trong khi nhu cầu hiện tại không cần nhiều đến vậy mà không ít những cỗ chiến xa trên đã ở trong tình trạng xuống cấp nặng nề khi bị vứt bỏ ngoài trời mặc tác động của thời tiết.
Nhưng bên cạnh đó, một số lượng phương tiện tác chiến bộ binh khác với số lượng cũng rất lớn đang được niêm cất bảo quản trong khắp các kho dự trữ trên lãnh thổ Nga.
Tình trạng của những cỗ xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành này được đánh giá là vẫn còn rất tốt bất chấp việc nhiều phương tiện đã có tuổi đời lên tới trên 70 năm.
Vừa qua đã diễn ra sự kiện khá đặc biệt khi các xe tăng T-34-85, IS-3, T-62M, T-80BV và pháo tự hành ISU-152 được lưu trữ trong tổng kho số 1295 của quân khu phía Đông đã được phá niêm.
Những cỗ chiến xa này đã lăn bánh trên thao trường sau thời gian dài ở tình trạng “ngủ đông”, có thể thấy rằng chúng vẫn còn nguyên năng lực tác chiến.
Rất đáng ngạc nhiên khi nhiều món “đồ cổ thời thế chiến” như xe tăng T-34-85, IS-3 hay pháo tự hành ISU-152 vẫn được bảo quản, trong khi nhiều chiếc T-80 tối tân hơn nhiều lại bị Nga vứt bỏ.
Hiện nay quân đội Nga đang thực hiện chương trình nâng cấp nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B lên chuẩn T-72B3 cũng như nâng cấp T-80BV thành T-80BVM.
Do vậy không loại trừ khả năng các xe tăng T-80BV được phá niêm lần này sẽ được đưa tới các nhà máy hiện đại hóa nhằm trở lại đội hình tác chiến trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, số xe tăng T-34-85, IS-3 hay pháo tự hành ISU-152 có thể phát huy tác dụng rất tốt trong những cuộc diễu binh kỷ niệm, nhất là khi số lượng phương tiện này hiện còn hoạt động được là không nhiều.
Đối với các xe tăng T-62M thì khó dự đoán hơn, Nga đã từng loại biên hoàn toàn dòng chiến xa cổ điển này nhưng gần đây lại mang nhiều chiếc ra để viện trợ cho quân đội Syria.
Ngoài ra còn có cáo buộc rằng nhiều chiếc T-62M chưa rõ nguồn gốc bất ngờ xuất hiện trong thành phần tác chiến của lực lượng ly khai miền Đông Ukraine.
Thậm chí gần đây Nga còn tái khởi động sản xuất pháo mới cho xe tăng T-62, cho thấy khả năng cao đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu nhằm tận thu ngoại tệ của Moskva trong thời gian tới.