Thôn 3 Cuồi Trả là thôn biên giới vùng sâu, vùng xa, có đường biên dài 13,7 km, giáp tỉnh Khăm Muộn (nước CHDCND Lào), cách trung tâm xã gần 7 km. Bà con trong thôn đều là dân ngụ cư.
Ông Đặng Xuân Kim, Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn cho biết: “Hơn nửa thế kỷ trước, 14 hộ dân đầu tiên từ huyện Đức Thọ lên đây khai hoang sinh sống. Đến nay, toàn thôn đã có 95 hộ, 390 nhân khẩu. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên. Điều mà chúng tôi tự hào nhất đó là tình làng nghĩa xóm, mối đoàn kết trong toàn thôn luôn được gìn giữ và thắt chặt”.
Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn 3 Cuồi Trả họp bàn các nội dung xây dựng đời sống văn hóa thôn.
Để có được thành quả đó, từ năm 2000, bắt nhịp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thôn cũng nhanh chóng lập bản hương ước về xây dựng nếp sống văn hóa. Lấy cốt lõi là tình làng nghĩa xóm sắt son, tinh thần đoàn kết lên trên hết, bản hương ước quy định những điều liên quan đến việc tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm và vai trò của người dân, từng hội đoàn thể với việc chung của thôn.
Bản hương ước cũng yêu cầu 100% hộ dân phải có đại diện tham gia các cuộc họp thôn; người dân ở độ tuổi nào phải tham gia sinh hoạt ở tổ chức hội đó. Đối với các mâu thuẫn trong gia đình, họ hàng, làng xóm đều có sự vào cuộc của tổ hòa giải, Ban Công tác mặt trận thôn. Không chỉ vậy, vào chiều thứ 7 hằng tuần, dưới sự điều hành của chi hội phụ nữ, tất cả các gia đình trong thôn đều tham gia tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo cụm dân cư.
Người dân thôn 3 Cuồi Trả luôn tự giác lao động, vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng trở thành bước đệm để người dân triển khai hiệu quả phong trào xây dựng NTM. Mặc dù là thôn độc lập, nhưng sớm xác định NTM là của dân, vì dân, vì vậy, mỗi người trong thôn đều tích cực tham gia. Ngoài phát triển lợi thế đất lâm nghiệp, bà con còn tập trung phát triển 3ha hoa màu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các mô hình vườn - chuồng mang lại giá trị kinh tế.
Không chỉ phát triển kinh tế vườn rừng, người dân thôn 3 Cuồi Trả còn tích cực xây dựng vườn mẫu.
Trong năm 2020, với quyết tâm đưa thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, tất cả người dân đã đóng góp gần 100 triệu đồng; tự nguyện hiến 2.500 m2 đất mở rộng hành lang đường làng, ngõ xóm. Với những cách làm đó, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1% (2 hộ). Toàn thôn không còn vườn tạp, đất bỏ hoang; đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; nhà dân gọn gàng, ngăn nắp. Tỷ lệ gia đình văn hóa, gia đình thể thao hằng năm luôn đạt trên 95%. Nếp sống văn hóa ngày càng được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.
Đời sống tinh thần người dân thôn 3 Cuồi Trả ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, thôn có địa danh lịch sử là nơi hoạt động của nghĩa quân Phan Đình Phùng, có lò đúc kim loại, sản xuất ra vũ khí cho nghĩa quân; có lăng quân Hào Nam, lăng quân Hầu Trân - 2 vị tướng của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Nhờ vậy, thế hệ trẻ trong thôn luôn được giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và phát huy truyền thống đó, nỗ lực học tập tốt. Hiện nay, trong thôn không có ai bỏ học; 100% trẻ đủ độ tuổi đều được đến trường và được phổ cập bậc THPT.
Từ nhiều năm nay, thôn 3 Cuồi Trả, xã Hòa Hải đã trở thành điểm sáng để các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện học hỏi về tinh thần đoàn kết, nếp sống văn hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, lan tỏa những mô hình, điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa để góp phần đưa phong trào ngày càng phát triển có chiều sâu, chất lượng”.