Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hà Tĩnh có được thành quả nông thôn mới như hôm nay là nhờ phát huy được sức dân, hình thành phong trào nhà nhà, người người làm NTM suốt 10 năm qua.
Là xã từng có nhiều lùm xùm trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 và những năm trước đó, thế nhưng, xã Thạch Kênh (Thạch Hà) lại đạt chuẩn NTM vào năm 2016, trước 3 năm so với kế hoạch. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh Nguyễn Văn Luận cho hay: “Nhờ nhân dân vào cuộc quyết liệt nên xây dựng NTM ở Thạch Kênh vẫn duy trì lửa phong trào từ đó đến nay. Toàn xã không ai ngoài cuộc. Để làm NTM, nhiều hộ tự nguyện đóng 10-12 triệu đồng như bà Nguyễn Thị Hồng Khoản, ông Nguyễn Sỹ Bàng ở thôn Chi Lưu”.
Xã nông thôn mới Thạch Kênh (Thạch Hà) hôm nay.
Nếu như Thạch Kênh trước đây nội bộ lục đục thì Vĩnh Lộc (Can Lộc) lại là xã thuộc diện sáp nhập, ảnh hưởng đến tinh thần người dân nhưng công cuộc xây dựng NTM đã cuốn các tầng lớp vào cuộc. Năm nay, Vĩnh Lộc sẽ sáp nhập với Khánh Lộc, Yên Lộc, tuy nhiên, “toàn dân hiểu rằng, mình làm để mình hưởng nên ai cũng vào cuộc quyết liệt, không phải vì sáp nhập xã mà chùn bước” - ông Nguyễn Quang Cảnh, thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc trò chuyện.
Ông Cảnh còn cho biết: “Trong thôn, hàng chục nhà hiến đất, có nhà cắt hẳn một nửa nhà, dời công xưởng, đập bỏ hàng rào, công trình chăn nuôi. Riêng nhà tôi đã 2 lần hiến đất với chiều dài mỗi tuyến là 37m và 35m, chiều rộng gần 2m. Nhân dân còn bỏ ra không biết bao nhiêu ngày công mà kể. Nhờ đó, đường sá khang trang, thôn xóm sạch đẹp. Ai cũng phấn khởi”.
“Nhân dân toàn xã đều vào cuộc mạnh mẽ, thôn nào cũng thi đua để đạt các tiêu chí đề ra. Nhờ nhà nhà làm NTM nên tháng 6/2019, 6/6 thôn đều hoàn thành cơ bản các tiêu chí NTM” – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Tiến trao đổi.
Cách mạng NTM đã lôi cuốn tất cả các tầng lớp vào cuộc, từ người trẻ đến các cụ già. Cụ ông Phan Mạnh Sáu (82 tuổi, thôn Yên Nam, xã Xuân Yên, Nghi Xuân) cho hay: “Tôi ngồi ở nhà không yên vì làm NTM ai cũng rất phấn khởi vào cuộc, nhất là khi xây dựng khu dân cư mẫu. Bà con rất tích cực và chủ động trong các khâu, nhất là làm vệ sinh môi trường, chăm sóc cây với tinh thần tự nguyện, tự giác. Toàn thôn ai cũng làm nên dù tuổi cao mình cũng phải đóng góp công sức".
Đường hoa nông thôn mới Cẩm Yên (Cẩm Xuyên)
Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng NTM tỉnh khẳng định: “Trong quá trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã thực sự khơi được sức dân nên nhân dân vào cuộc rất rầm rộ, nhà nhà, người người đều làm NTM”.
Cùng với nhiều giải pháp khác, theo Chánh Văn phòng NTM tỉnh, Hà Tĩnh huy động được nhân dân vào cuộc mạnh mẽ còn nhờ phát động phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã cụ thể hóa phong trào thi đua bằng các chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với thực tiễn.
Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM thiết thực như cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, tham gia bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”, “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020”…
“Hà Tĩnh không cổ xúy cho việc ỷ lại, thay vào đó là tuyên truyền, bằng mọi cách để người dân tăng tính chủ động. Khi người dân chủ động thì tự thân họ sẽ tạo thành phong trào thực hiện các tiêu chí, mạnh nhất là: Làm giao thông, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, làm vườn mẫu... Cùng với tuyên truyền, điều quan trọng nhất là tỉnh đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thiết thực với người dân như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu… Đây là một trong những lý do hàng đầu để người dân vào cuộc quyết liệt trong 10 năm qua”- ông Oánh khẳng định.
Theo thông tin từ văn phòng NTM Hà Tĩnh, nhờ nhân dân vào cuộc quyết liệt nên việc xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện tốt. Tổng vốn huy động từ năm 2011 đến 30/8/2019 đạt trên 81.221 tỷ đồng, trong đó, cộng đồng dân cư chiếm 20,5%.
Với tinh thần nhà nhà, người người vào cuộc, NTM ở Hà Tĩnh đã làm sống lại hình ảnh một thời: “Nông dân đã nói là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông/ Đã quyết là quyết một lòng”.
>> Bài 1: Khí chất Xô viết trong xây dựng nông thôn mới
>> Bài 2: Đảng bộ Hà Tĩnh: "Giấc mơ tam nông" và quyết sách "đi đầu, bước trước"
>> Bài 4: Ra ngõ gặp... điển hình
>> Bài 5: Sáng tạo không gừng, bài học thành công của Hà Tĩnh