Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, qua thực tiễn triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn tại các địa phương Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, huyện Kỳ Anh cho thấy, sau hình thành ô thửa lớn thì số hộ canh tác trên đồng ruộng vẫn không thay đổi.
“Quy mô lớn nhất như thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) 65 ha, số thửa giảm từ 870 xuống còn 220 thửa, song số hộ vẫn giữ nguyên 160 hộ. Quy mô nhỏ nhất như thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) diện tích 8 ha, số hộ là 100” - ông Thanh nêu dẫn chứng.
Sau hình thành ô thửa lớn thì số hộ canh tác trên đồng ruộng vẫn không thay đổi.
Theo ông Thanh, do quy mô canh tác trên hộ không thay đổi nên tổng sản lượng của vùng thì lớn nhưng trong mỗi hộ thì nhỏ. Vì vậy, chủ yếu vẫn đang phục vụ tự cung tự cấp, chưa thể hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Việc liên kết và sản xuất thu mua cũng đang mang tính thời vụ, chưa hình thành được vùng sản xuất giống và nguyên liệu cho chế biến gạo ổn định, nông dân vẫn sản xuất tự cung tự cấp. Năng lực đầu tư thâm canh, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh đang ở quy mô nông hộ.
“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trước mắt cho tổ chức doanh nghiệp hay HTX thuê lại ruộng, để tập trung về một đầu mối quản lý, điều hành nhưng người dân không đồng ý. Họ vẫn muốn giữ lại ruộng của mình để tự canh tác, không muốn mất quyền làm chủ”, ông Nguyễn Thiên Toàn - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình xác nhận.
Chi phí cho việc cải tạo mặt bằng đồng ruộng khá lớn cũng đang ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi, tập trung sang ô thửa lớn.
“Sản xuất vẫn đang dừng lại quy mô nông hộ, tôn chỉ về cánh đồng lớn chưa đạt được. Các huyện đang lồng ghép Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về quản lý sử dụng đất trồng lúa vào hỗ trợ giống cho vụ sản xuất đầu tiên. Vì vậy độ đồng nhất quan điểm “một giống, một cánh đồng” về cơ bản chỉ đáp ứng được khi có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước” - ông Nguyễn Tuấn Thanh phân tích thêm.
Việc phân định ranh giới bước đầu được xác định, tránh về lâu dài dễ xẩy ra tranh chấp.
Cùng đó, chi phí cho việc cải tạo mặt bằng đồng ruộng khá lớn cũng đang ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi, tập trung sang ô thửa lớn. Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) Hoàng Hậu Hải cho biết, vụ xuân 2021, địa phương triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn với tổng diện tích 46,7 ha. Do địa hình đồng ruộng không bằng phẳng nên để cải tạo, san lấp mất chi phí khá lớn với hơn 6 triệu đồng/ha. Số tiền này do ngân sách huyện, xã hỗ trợ 100%. Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc chắn người dân không thể thực hiện được.
Chi phí cho việc cải tạo mặt bằng đồng ruộng khá lớn cũng đang ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi, tập trung sang ô thửa lớn.
Từ phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn đến tích tụ ruộng đất sẽ còn khá nhiều lực cản, đó là hành lang pháp lý chưa rõ ràng, tâm lý người dân chưa sẵn sàng.
Việc thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, từng bước xây dựng cánh đồng mẫu gắn với tích tụ, tập trung ruộng đất theo cơ chế cho thuê, chuyển nhượng, góp đất liên kết sản xuất với doanh nghiệp là một trong những nội dung trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
“Phá bờ vùng, bờ thửa, hình thành ô thửa lớn, hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng nhất về giống, quy trình sản xuất là một trong nội dung lớn tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã, đang được Hà Tĩnh quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đây cũng là giải pháp cụ thể để đến năm 2025, trên đồng ruộng Hà Tĩnh có giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bình quân hơn 130 triệu đồng/ha như mục tiệu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, Nhân dân tập trung ruộng đất về một đầu mối để quản lý tổ chức sản xuất…, cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ ngân sách về giống mới, kỹ thuật mới, cải tạo đồng ruộng… nhằm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực sau khi dồn điền, đổi thửa.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cánh đồng mẫu trên cơ sở đảm bảo quy mô cánh đồng lớn cũng phải linh động, phù hợp với thực tiễn sản xuất tại các địa phương (không nhất thiết phải 3 hoặc 5 ha mới hỗ trợ), bởi diện tích cánh đồng quy mô sản xuất mỗi nơi một khác. Đặc biệt, các địa phương cũng cần lưu ý chính sách chỉ là yếu tố hỗ trợ, kích cầu cho sản xuất, còn để những cánh đồng lớn thực sự hiệu quả, thì khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh trên các diện tích sau khi chuyển đổi mới là then chốt.
thiết kế: huy tùng