Diễn viên Hoàng Phượng hiện đang công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Ảnh: NVCC
Gương mặt được săn đón bởi các nhà làm phim quốc tế
Hoàng Phượng tên đầy đủ là Hoàng Thị Bích Phượng, cô từng giành danh hiệu Hoa khôi học sinh thanh lịch các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc năm 2014.
Cô tốt nghiệp khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC với vai trò biên tập viên.
Hoàng Phượng (giữa) trong một cảnh phim "Along the sea" do Nhật Bản sản xuất. Ảnh: NVCC
Dù chỉ là diễn viên tay ngang nhưng 3 năm qua, Hoàng Phượng đã được “chọn mặt gửi vàng” trong nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình. Đặc biệt, với chiều cao 166 cm, khuôn mặt khả ái đậm chất Á đông, Hoàng Phượng đã được các nhà làm phim quốc tế lựa chọn cho các vai chính trong những bộ phim có nhân vật là phụ nữ Việt Nam.
Tiêu biểu như vai Nguyễn Thị Hoa trong phim “Invisible Love” (Tình yêu vô hình) do Trung Quốc hợp tác Việt Nam sản xuất năm 2018, có bối cảnh chính ở Hội An (Quảng Nam); vai Phượng trong phim điện ảnh Nhật Bản “Along the sea” (Những cô gái bên bờ biển), kể về hành trình và nghị lực của cô gái Việt Nam làm việc ở Nhật (hiện đang tham gia Liên hoan phim Quốc tế Tokyo)…
Vẻ đẹp nền nã, đậm khí chất Á đông của diễn viên Hoàng Phượng trong cổ phục Việt Nam. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, sau vai diễn trong phim “Invisible Love”, Hoàng Phượng được mời sang Trung Quốc ký hợp đồng làm diễn viên độc quyền cho một công ty giải trí lớn ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, cô từ chối vì muốn hoạt động nghệ thuật ở quê nhà.
Ấn tượng về vai diễn người con dâu “đặc biệt” của quê hương Hà Tĩnh
Vai diễn mới nhất của Hoàng Phượng là một vai diễn đặc biệt: bà Trần Thị Tần - vợ của Tể tướng, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm và là mẹ của Đại thi hào Nguyễn Du.
Hoàng Phượng trong vai mẹ Đại thi hào Nguyễn Du - cô gái vùng Kinh Bắc về làm dâu Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Nói về vai diễn người con dâu “đặc biệt” của Hà Tĩnh, Hoàng Phượng chia sẻ: “Có thể nói, đây là vai diễn cổ trang đầu tiên trong phim Việt của tôi. Từng theo học khoa Đông phương học nên hình ảnh người phụ nữ Việt xưa, thân thế của Đại thi hào Nguyễn Du không còn xa lạ, nhưng khi nhận vai diễn người mẹ của Đại thi hào, tôi có phần áp lực. Bởi, làm thế nào để diễn cho ra khí chất, phẩm chất của một người phụ nữ quý tộc làm dâu trong gia đình quan lại danh gia vọng tộc lớn nhất triều đại bấy giờ.
Hơn nữa, bà Trần Thị Tần không chỉ là một phụ nữ quý tộc bình thường mà là người đã sinh ra một đại thi hào có đôi mắt nhìn “thấu sáu cõi, tấm lòng mở rộng bao trùm cả thập loại chúng sinh”… Điều đó đòi hỏi tôi phải nghiền ngẫm kỹ kịch bản và tìm hiểu lịch sử Việt Nam sâu hơn. May mắn, nhờ sự tư vấn của các nhà nghiên cứu, chỉ đạo của đạo diễn, tôi đã làm tròn vai diễn của mình”.
Cảnh phim "Đại thi hào Nguyễn Du" được thực hiện ở Khu di tích Nguyễn Du. Trong ảnh: Bà Trần Thị Tần và con trai Nguyễn Du (6 tuổi). Ảnh: NVCC
Được biết, vai bà Trần Thị Tần là vai diễn quan trọng, chủ đạo trong phần 1 của bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”. Theo ê kip làm phim, để khắc họa được chân dung một Nguyễn Du trưởng thành sau này với nhiều phẩm chất “nhân, trí, dũng…” thì vai trò của người mẹ trong giai đoạn ấu thơ của ông có tính chất quyết định. Do vậy, kịch bản đã dành nhiều “đất diễn” cho nhân vật này.
Đạo diễn phim Đại thi hào Nguyễn Du Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Sở dĩ chúng tôi quyết định chọn Hoàng Phượng cho vai diễn bà Trần Thị Tần bởi ngoài vẻ đẹp cổ điển Á đông, Hoàng Phượng còn có kiến thức về lịch sử, văn hóa; thần thái và kỹ năng hát quan họ. Hoàng Phượng đã thể hiện tốt vai diễn theo yêu cầu khắt khe của chúng tôi”.
Vai bà Trần Thị Tần trong phim Đại thi hào Nguyễn Du được thực hiện nhiều cảnh quay ở Hà Tĩnh và Bắc Ninh. Trong đó các cảnh dành cho vai diễn bà Trần Thị Tần khi theo chồng về làm dâu ở đất Nghi Xuân để lại cho Hoàng Phượng nhiều ấn tượng.
Phân cảnh Nguyễn Du cùng mẹ theo cha - Tể tướng Nguyễn Nghiễm về thăm quê nội ở Tiên Điền (Nghi Xuân) trong phim Đại thi hào Nguyễn Du.
Diễn viên Hoàng Phượng chia sẻ: “Ngoài phân đoạn diễn cảnh bà Tần sinh Nguyễn Du ở quê ngoại Bắc Ninh thì các phân đoạn khi bà theo chồng về Nghi Xuân khiến tôi rất ấn tượng. Trong đó, cảnh bà Tần được bà cả Đặng Thị Dương dạy về gia phong, lề lối và cách dạy dỗ con cái trong nhà khiến tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống người Hà Tĩnh xưa. Lúc đó, tôi chợt nghĩ: À thì ra, vùng đất này có nhiều nhân tài khoa bảng chính là nhờ truyền thống dạy con cái từ nhỏ như thế!
“Dù vai bà Tần là vợ bé nhưng không có sự đố kỵ ganh ghét nào với người vợ cả. Hơn nữa, bà lại được chồng là một vị quan làm đến chức tể tướng rất thương yêu, trân trọng. Vai diễn và tình cảm ân cần, nhiệt tình, những món quà nhỏ đầy ý nghĩa của bà con Hà Tĩnh khi tôi và đoàn phim về đây, tôi chợt nghĩ sau này được làm dâu Hà Tĩnh thì tuyệt quá” - diễn viên Hoàng Phượng vui vẻ cho biết.