Nhà báo Thuận Huế bám thuyền lênh đênh biển đêm cùng ngư dân để thực hiện phim tài liệu: Bóng của biển.
Và sự trả nghĩa ở đây, với tôi không chỉ là sự tôn vinh trên những diễn đàn, là những giải thưởng trong các liên hoan nghiệp vụ, mà hơn hết, đó là sự phản hồi, là niềm vui của công chúng, sự ủng hộ của Ban Biên tập, sẻ chia và mong muốn được hợp tác của ê kíp, của những đồng nghiệp đã, đang và sẽ theo mình trong những tác phẩm tiếp theo của hành trình làm báo sau này.
Học báo viết nhưng lại theo báo hình, với tôi đã là một cơ duyên, nhưng để biến cơ duyên ấy thành cơ hội được dấn thân, đó thực sự là một bước đi dài mà tự thân phải nỗ lực không ngừng. Trong nghề báo, cái lằn ranh của sự nghiêm túc - cẩu thả, trách nhiệm - thoái thác… khá rõ ràng, nó thể hiện rõ trên từng khuôn hình câu chữ.
Nhà báo Thuận Huế (ngoài cùng bên phải) trong chuyến tác nghiệp thực hiện phim tài liệu Lời ru vượt đỉnh Giăng Màn tại Tuyên Hóa (Quảng Bình)
Công chúng sẽ rất dễ dàng cảm nhận sự tâm huyết, chỉn chu, sự trăn trở, cầu thị… của một phóng viên. Điều gì xuất phát từ trái tim, rung cảm từ trái tim thì sẽ đi đến tận cùng của trái tim.
Người xem sẽ thấy được sự công phu, đầy sự thao thức qua từng khuôn hình, trong từng câu chữ và sự sáng tạo trong ý đồ dựng hình ở khâu hậu kỳ. Chúng tôi luôn xem lời tâm sự của nhà báo Phan Trung Thành - nguyên Phó Giám đốc Đài PT&TH Hà Tĩnh như một bài học sâu sắc về lòng yêu nghề, rằng: Phải hết mình, để xem lại, thấy đề tài này, ta không thể làm hay hơn được nữa; phải suy nghĩ, tính toán từng ý đồ trong tác phẩm để khỏi phải hối tiếc khi hoàn thành…
Với tôi, yêu nghề chính là yêu bản thân mình, là tôn trọng những cảm xúc của chính mình và làm nghề chính là làm giàu cho tâm hồn mình. 14 năm trong nghề, cũng có khi tôi đã dễ dãi với tác phẩm của mình.
Có những phóng sự, tôi đã không đi đến tận cùng vấn đề, làm theo định kỳ lên sóng hoặc thậm chí, viết theo cảm quan cá nhân mà không lường trước, nghĩ sâu được điều mình phản ánh… Để rồi, sau đó, công chúng không ai nhớ.
Những trăn trở với nghề chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của nhà báo Thuận Huế.
Sau những lần như thế, hơn ai hết, tôi thấy mình thiếu tôn trọng chính mình. Ngược lại, khi một tác phẩm mình đào sâu suy nghĩ, trăn trở với từng frame hình, con chữ, trắng đêm bên bàn dựng, đồng hành không quản ngày đêm cùng nhân vật, thì cái mình được sẽ là vô giá. Yêu nghề chính là yêu mình.
Sự tin tưởng từ nhân vật, những phản hồi tích cực từ công chúng, sự chia sẻ từ đồng nghiệp, sự ghi nhận từ các sân chơi nghiệp vụ chính là sự phản chiếu kết quả rõ ràng nhất. Và cũng từ đó thắp sáng hơn ngọn lửa nghề trong tôi.
Thời gian mới vào nghề, tôi đã theo một cậu bé mồ côi hàng tháng trời chỉ để làm một phóng sự ngắn 5 phút (Cổ tích lều giữa phố); mải mê theo từng bối cảnh trong câu chuyện “Màu tình yêu” của một cô gái Bắc với chàng trai tật nguyền Hà Tĩnh; mạnh dạn dấn thân thử sức làm phim tài liệu về thầy giáo già Dư Giao Cầm… Những lắng đọng của từng tác phẩm ban đầu ấy đã tạo ra một “tôi” nghiêm túc với nghề hơn sau này.
Trong nhiều năm liền, nhà báo Thuận Huế luôn giành được những giải thưởng báo chí lớn.
Tôi sẵn sàng dành cả năm trời ở Hà Tĩnh và Quảng Bình cho một bộ phim với thông điệp khát vọng vượt qua thực trạng hôn nhân cận huyết thống trong “Lời ru vượt đỉnh Giăng Màn” (HCV Liên hoan truyền hình toàn quân); lặn lội ra Bắc vào Nam, thậm chí một mình vào tận Tây Nguyên, lần theo lời kể nhân vật để tái hiện hành trình “Người trở về từ Gạc Ma” (HCB Liên hoan truyền hình toàn quốc);
Sự trăn trở, đồng cảm với những thiệt thòi trong những câu chuyện đầy nước mắt của giáo viên mầm non ngoài biên chế (giải A Giải Báo chí toàn quốc viết về công nhân lao động); tôi hòa vào tâm tư của người dân xung quanh câu chuyện đất ở có nguồn gốc trước năm 1980 (Nghịch lý từ một chính sách - giải C Giải Báo chí quốc gia); lăn lộn đồng hành cùng người dân để phản ánh những cách làm hay trong thực hiện tiêu chí số 20 hay cách huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh (giải B và A toàn quốc Báo chí viết về nông thôn mới)…
Nhìn lại từ những câu chuyện gắn với từng tác phẩm, có thiệt thòi, có hy sinh, có vất vả, thậm chí, có cả sự phiền hà đến rất nhiều đồng nghiệp trong ê kíp khi họ phải nỗ lực hơn rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của mình... Nhưng hơn hết, cuối cùng, chúng tôi có sự trải nghiệm, có trưởng thành, có sự gắn kết và trân quý nhau hơn.
Với người làm báo, niềm vui đôi khi rất giản dị, có khi chỉ là việc được nghe thấy nhân vật trải lòng, được một câu phản hồi từ công chúng, nhận được cái nắm tay rất chặt từ đồng nghiệp, là cái gật đầu của một nhà báo lão thành... Chỉ thế thôi, mà thấy yêu nghề đến lạ!