Ô nhiễm môi trường trang trại chăn nuôi: Làm sao để ”vẹn cả đôi đường”?

(Baohatinh.vn) - Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang ở mức báo động, gây ra nhiều hệ lụy xấu, nhất là ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, trong điều kiện chăn nuôi đang là sinh kế quan trọng của người dân, vấn đề đặt ra là phải làm sao để “vẹn cả đôi đường”: Vừa phát triển được chăn nuôi, vừa đảm bảo môi trường.

Chất thải chăn nuôi tác động đến môi trường và sức khỏe con người trên nhiều khía cạnh: Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, môi trường khí, môi trường đất và các sản phẩm nông nghiệp. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa, do trong chất thải chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh. Việc chăn nuôi không đảm bảo quy trình sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường và là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong nhân dân, làm mất ổn định xã hội.

o nhiem moi truong trang trai chan nuoi lam sao de ven ca doi duong

Để có thể vừa phát triển chăn nuôi, vừa đảm bảo môi trường, các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy hoạch, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.

Cuối tháng 4 vừa qua, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm đánh giá hiện trạng và tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý chất thải trong chăn nuôi. Tại đây, nhiều ý kiến tham luận cho rằng, để bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi, trước hết, Hà Tĩnh cần thực hiện đúng quy hoạch chăn nuôi tập trung, công nghiệp và quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong đề án BVMT, cam kết BVMT trong chăn nuôi tại các địa phương. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, bổ sung các chế phẩm sinh học vào thức ăn, xử lý chất thải nhằm hạn chế sự phát thải khí độc và vi sinh vật có hại, giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các cơ quan quản lý địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý chăn nuôi đồng bộ theo một quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích việc tái sử dụng chất thải của vật nuôi thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc tác động của con người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Hiện tại, sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chuẩn riêng trong chăn nuôi phù hợp với tình hình của địa phương để có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng cần nâng cao phản biện về vấn đề môi trường tốt hơn”.

Rõ ràng, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, trước hết, chúng ta cần thực hiện nghiêm quy hoạch, không bổ sung quy hoạch đối với các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo tiêu chí quy hoạch. Quá trình cấp phép dự án trang trại chăn nuôi cần đảm bảo khoảng cách an toàn (đến khu dân cư, nguồn nước…), không cấp phép đối với những dự án nằm đầu nguồn nước sinh hoạt...

Đặc biệt, ngành TN&MT cần sớm có lộ trình xử lý, chuyển về vùng quy hoạch chăn nuôi đối với những cơ sở nằm ngoài vùng quy hoạch hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn; tham mưu cho các cấp từng bước xóa bỏ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ, phân tán chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với công nghiệp hóa; định hướng phát triển chăn nuôi ở những vùng có điều kiện về đất đai như các vùng trà sơn, miền núi, nơi cao ráo ít ngập úng và xử lý tốt công tác môi trường.

Mặt khác, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra về BVMT, xử lý đúng quy định đối với các cơ sở vi phạm, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án đối với các cơ sở gây ô nhiễm, vi phạm nhiều lần mà không có biện pháp khắc phục; đình chỉ sản xuất đối với trang trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cụ thể về quy trình kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh và BVMT để các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn lại cho người chăn nuôi.

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.