Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 được tường thuật trực tiếp tại Đài Truyền hình Việt Nam vào 8h ngày 20/9.
4 nhà leo núi Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình), Vũ Quốc Anh (THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk), Văn Ngọc Tuấn Kiệt (THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị), Lưu Đào Dũng Trí (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội) cùng tranh tài để giành vòng nguyệt quế vinh quang.
Vượt lên dẫn đầu đoàn leo núi và giữ vị trí này suốt trận chung kết, Thu Hằng, nữ sinh duy nhất, trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Cô là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về THPT Kim Sơn A và tỉnh nhà.
Quán quân đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. |
Điểm nhấn của phần thi nằm ở vòng Vượt chướng ngại vật, chỉ sau một hàng ngang gợi ý, Thu Hằng bất ngờ nhấn chuông giành quyền trả lời chỉ sau 1 dữ liệu. Với việc tìm ra đáp án đúng là “Y tế”, nữ sinh giành được 80 điểm, vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi với 150 điểm.
Kết thúc trận chung kết, nữ sinh Ninh Bình giành 235 điểm chung cuộc, trở thành nhà tân vô địch Olympia.
Vào giây phút chiến thắng, các cổ động viên ở điểm cầu truyền hình ở Ninh Bình như vỡ oà. Bản thân Thu Hằng cũng rơi nước mắt.
Em nhận được suất học bổng trị giá 40.000 USD, Quốc Anh về nhì được giải thưởng 100 triệu đồng và hai thí sinh giải ba được 50 triệu đồng, đồng thời nhận được bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT.
Nữ sinh Ninh Bình giành 235 điểm chung cuộc, trở thành nhà tân vô địch Olympia. |
Thí sinh nữ lọt vào chung kết Olympia sau 8 năm
Với những thế mạnh riêng, 4 nhà leo núi đều có hành trình ấn tượng.
Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nữ đầu tiên lọt vào chung kết Olympia sau 8 năm. Ở cuộc thi tuần, cô ghi được 350 điểm - thành tích cao thứ 2 của thí sinh nữ tại Olympia 20 năm qua (tính đến hết trận 52 của năm thứ 20).
Thu Hằng là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về THPT Kim Sơn A. Nếu chiến thắng ở trận chung kết, nữ sinh sẽ trở thành nhà vô địch Olympia đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nữ đầu tiên lọt vào chung kết Olympia sau 8 năm. |
Trước đó, ở các cuộc thi tuần, tháng, quý, Vũ Quốc Anh (Đắk Lắk) đều giành thành tích cao, lần lượt là là 385 điểm (top 2 thành tích cao nhất của Olympia 2020), 295 điểm và 300 điểm.
Quốc Anh là học sinh đầu tiên của THPT Ngô Gia Tự (Đắk Lắk) mang cầu truyền hình Olympia về trường. Cậu tự tin ở các môn thuộc khối Tự nhiên.
Đến từ THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) - ngôi trường của Văn Viết Đức (quán quân năm 15) và Lê Thanh Tân Nhật (á quân năm 18), Văn Ngọc Tuấn Kiệt được kỳ vọng sẽ đạt thành tích tốt ở chung kết Olympia.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt là người thứ 4 mang cầu truyền hình Olympia về cho Quảng Trị. |
Ngoài ra, mảnh đất hiếu học Quảng Trị còn 1 nhà vô địch khác là Phan Đăng Nhật Minh (năm 17). Điều đặc biệt là cả 4 chàng trai này đều cùng quê ở huyện Hải Lăng.
Tại Olympia, Tuấn Kiệt được khen sở hữu lượng kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt mạnh về Toán học, Lịch sử.
Trong số 4 nhà leo núi xuất sắc của Olympia 2020, Lưu Đào Dũng Trí có hành trình đặc biệt hơn cả khi 2 lần đạt điểm nhì cao nhất tại cuộc thi tuần, tháng, rồi lần đầu giành vòng nguyệt quế ở trận quý IV.
Sau 20 năm phát sóng, “Đường lên đỉnh Olympia” vẫn giữ được sức hấp dẫn khi là sân chơi kiến thức dành cho học sinh THPT cả nước, chương trình có tuổi đời dài nhất của VTV. |
Khác với 19 trận chung kết trước, phần thưởng của nhà tài trợ được tăng từ 35.000 USD lên 40.000 USD để phục vụ việc du học của quán quân (nơi học do thí sinh lựa chọn).
Thí sinh về nhì sẽ nhận được 100 triệu đồng tiền thưởng, người về ba là 50 triệu đồng.
Ngoài ra, tương tự các năm trước đó, Đại học Swinburne (Australia) sẽ trao học bổng 100%, 50%, 25% lần lượt cho thí sinh về nhất, nhì, ba theo học tại trường.