Tiếp tục phản ứng sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier sau 15 tháng hôn mê ở Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-6 nhận định Triều Tiên vẫn chưa thể bị kiềm chế, dù Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ, cố gắng thuyết phục đồng minh.
“Tôi đánh giá rất cao các nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc trong giúp đỡ kiềm chế Triều Tiên nhưng nó không hiệu quả. Ít nhất tôi biết rằng Trung Quốc đã cố gắng!” - ông Trump viết trên Twitter.
Ông Trump đặt rất nhiều hy vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng lên Triều Tiên, trông đợi rất nhiều vào sự giúp sức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai ông đã có cuộc gặp cấp cao tại Florida (Mỹ) hồi tháng 4 và ông Trump sau đó liên tục khen ngợi ông Tập cũng như kiềm chế chỉ trích hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo trong khuôn viên khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida (Mỹ) sau cuộc gặp ngày 7-4. Ảnh: REUTERS
Chưa rõ phát ngôn này của ông Trump liệu có phải là tín hiệu cho thấy tới đây ông sẽ thay đổi suy nghĩ và hành động nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên, hay thay đổi chính sách Mỹ với Trung Quốc hay không.
“Tôi nghĩ tổng thống đang thể hiện sự thất vọng. Ông ấy đang thể hiện cho người khác thấy ông ấy hiểu đường hướng đó không hiệu quả, cũng như cố gắng bảo vệ chính mình, biện minh cho mình bằng cách nói ít nhất Trung Quốc đã cố gắng” - cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Christopher Hill nói với MSNBC.
Một quan chức cấp cao Mỹ không nêu tên nói Mỹ không có nhiều lựa chọn mong kiềm chế Triều Tiên mà không có sự giúp sức của Trung Quốc.
Phát ngôn của ông Trump sẽ làm tăng áp lực lên Trung Quốc trước cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung tại Mỹ ngày 21-6 (giờ Mỹ). Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Thượng tướng Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc đối thoại ngoài tập trung bàn cách tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân-tên lửa cũng sẽ bàn đến chuyện chống khủng bố và tranh chấp ở biển Đông.
Mỹ dự kiến sẽ thúc giục Trung Quốc hợp tác hơn nữa trong siết chặt trừng phạt quốc tế Triều Tiên. Mỹ và các đồng minh muốn cấm vận dầu, cấm vận hàng không Triều Tiên - các hình thức trừng phạt mà nhiều nhà ngoại giao nhận định Trung Quốc cũng như Nga sẽ phản đối.
Ngày 20-6, một quan chức Mỹ không nêu tên cho Reuters biết vệ tinh tình báo Mỹ gần đây đã phát hiện một số hoạt động tại một địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân lần cuối của Triều Tiên diễn ra tháng 9-2016. Hàng tháng nay nhiều quan chức Mỹ cũng như các chuyên gia đều nói Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu vào bất cứ lúc nào. Chưa chắc có phải Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới nữa hay không, nếu có thì sự kiện này có thể sẽ xảy ra trùng với thời điểm diễn ra cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh cấp cao giữa hai nước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần thị sát quốc phòng. Ảnh: KCNA công bố ngày 5-5
Trong một động thái cho thấy quan hệ Mỹ-Trung vẫn ổn định, một trợ lý Nhà Trắng ngày 20-6 cho biết vợ chồng con gái ông Trump, Ivanka Trump và Jared Kushner đã được Trung Quốc mời sang thăm nước này cuối năm nay.
Về việc sinh viên Warmbier hôn mê 15 tháng tại Triều Tiên và chết khi được đưa về Mỹ chưa tới một tuần, ông Trump ngày 20-6 đã công kích không chỉ Triều Tiên mà cả người tiền nhiệm Barack Obama.
“Chuyện xảy ra với Otto là điều nhục nhã. Tôi đã nói chuyện với gia đình cậu ấy, một gia đình tuyệt vời... Nhưng cậu ấy lý ra nên được đưa về nhà từ trước đó rất lâu mới phải” - ông Trump nói trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Nhà Trắng.
Trước đây ông Trump có lần nói sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thương lượng. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 20-6, khả năng này hầu như không còn sau cái chết của sinh viên Warmbier.