Phá hủy tổ ong bắp cày “sát thủ” đầu tiên trên đất Mỹ

Sau nhiều nỗ lực truy lùng và bao vây, các nhà côn trùng học tiêu diệt thành công tổ ong bắp cày khổng lồ châu Á ở vang Washington hôm 24/10.

Phá hủy tổ ong bắp cày “sát thủ” đầu tiên trên đất Mỹ

Xác ong bắp cày trong ống chứa. Ảnh: AP.

Các nhà chức trách hút thành công những con ong bắp cày “sát thủ” từ chiếc tổ đầu tiên phát hiện trên đất Mỹ ra khỏi hốc cây và đặt vào thùng đá sau khi chuyên gia xác định vị trí tổ ở bang Washington trong tuần này bằng cách gắn thiết bị theo dõi phát sóng vô tuyến. Ong bắp cày sát thủ nổi tiếng với khả năng gây ra vết đốt chí mạng cho con người và có thể xóa sổ một tổ ong mật trong vài giờ, bị hút chân không từ thân cây vào ống nhựa rồi giết chết, đánh dấu quá trình tiêu diệt phức tạp diễn ra vào sáng ngày 24/10.

Nhân viên Cơ quan Nông nghiệp bang Washington (WSDA) mặc đồ bảo hộ và làm việc trong bóng tối từ tờ mờ sáng để phá hủy tổ ong lớn cỡ quả bóng rổ, nơi ở của 200 con ong. Họ đặt xác ong chết vào thùng đã để lưu trữ nhằm mục đích nghiên cứu bởi giới chuyên gia vẫn chưa biết chúng tới Mỹ bằng cách nào.

Các nhà côn trùng học của WSDA lần đầu tiên phát hiện tổ ong bắp cày khổng lồ châu Á trong khu đất tư nhân ở thành phố Blaine, quận Whatcom, gần biên giới Mỹ - Canada hôm 22/10. Đàn ong làm tổ bên trong hốc cây trên khu đất được phát quang để xây nhà ở. Việc tiêu diệt tổ ong đánh dấu lần đầu tiên định vị và phá hủy tổ ong bắp cày khổng lồ châu Á trên đất Mỹ từ khi loài này xuất hiện vào cuối năm ngoái. WSDA thông báo loại bỏ tổ ong thành công vào cuối buổi sáng hôm qua.

Bộ đồ bảo hộ của nhân viên WSDA rất dày để ngăn loài côn trùng gây hại làm đau các chuyên gia với ngòi đốt dài 6 mm. Họ cũng phải đội mũ che kín mặt nhằm đề phòng ong bắp cày mắc kẹt phun nọc độc vào mắt.

Sven-Erik Spichiger, nhà côn trùng học ở Cơ quan Nông nghiệp, hôm 23/6 lập kế hoạch chi tiết cho quá trình tiêu diệt ong vào ngày hôm sau. Hốc cây được phun đầy bọt và bọc màng nhựa giúp ngăn ong bắp cày thoát ra. Sau đó, nhóm chuyên gia luồn ống chân không vào hút ong mắc kẹt bên trong và dồn vào ống chứa.

Sau khi hút hết ong bắp cày, các nhân viên xử lý phun carbon dioxide và quấn kín thân cây bằng màng bọc. Sau đó, họ sẽ chặt chân cây để lấy ấu trùng và kiểm tra liệu còn ong chúa nào sót lại trong tổ hay không. Nhà chức trách nghi ngờ vẫn còn nhiều tổ ong trong khu vực và sẽ tiếp tục tìm kiếm loài côn trùng gây hại.

Trước đó, các chuyên gia bắt và gắn thiết bị theo dõi vào một số con ong. Nhân viên ở Cơ quan Nông nghiệp dành hàng tuần theo dõi, đặt bẫy và dùng chỉ nha khoa gắn thiết bị theo dõi vào ong bắp cày khổng lồ châu Á. Họ bắt hai con ong hôm 21/10 bằng một loại bẫy mới và hai con ong khác vào sáng hôm sau. Các nhà côn trùng học gắn thiết bị theo dõi vô tuyến vào ba con ong bằng chỉ nha khoa và chờ chúng bay về tổ.

Ong bắp cày xâm hại thường phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác. Bang Washington ở Mỹ và tỉnh British Columbia ở Canadia là hai nơi tại châu Mỹ có ong bắp cày. Giới nghiên cứu chưa rõ loài ong này tới Mỹ bằng cách nào. Ong bắp cày châu Á là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới với chiều dài 5 cm và có thể tiêu diệt toàn bộ tổ ong mật. Một nhóm nhỏ ong bắp cày có thể giết hết ong mật trong tổ chỉ sau vài giờ. Chúng đã phá hủy 6 - 7 tổ ong ở bang Washington state. Nông dân ở tây bắc Mỹ phụ thuộc vào ong mật để thụ phấn cho nhiều loại cây, bao gồm quả việt quất và phúc bồn tử.

Theo VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.