Phán quyết gạch tên ông Trump phủ bóng chính trường Mỹ

Phán quyết loại tên ông Trump khỏi phiếu bầu ở bang Colorado sẽ buộc Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp, có thể gây ra nhiều hệ lụy, bất đồng trong chính trường Mỹ.

Tòa thượng thẩm Colorado ngày 19/12 ra phán quyết loại tên cựu tổng thống Donald Trump khỏi phiếu bầu sơ bộ ở bang này, cho rằng ông có liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol, do đó không đủ tư cách để giữ vị trí tổng thống theo Mục 3, Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ.

Phán quyết gạch tên ông Trump phủ bóng chính trường Mỹ

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên tòa ở New York ngày 6/11. Ảnh: AFP

Tu chính án thứ 14 được thông qua sau 5 năm nội chiến Mỹ (1861-1865), nhằm ngăn những người từng tuyên thệ trung thành với hiến pháp nhưng lại “tham gia nổi loạn hoặc phản loạn” chống lại đất nước tiếp tục ra tranh cử. “Tổng thống Trump đã kích động và khuyến khích sử dụng vũ lực, hành động vô pháp nhằm cản trở chuyển giao quyền lực hòa bình”, tòa Colorado giải thích về phán quyết của mình.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quyết định này có thể gây xáo trộn vòng bầu cử sơ bộ ở nhiều bang mà ông Trump đang bị truy tố với cáo buộc tham gia “lật kèo” bầu cử năm 2020, lẫn cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11/2024.

Người phát ngôn của ông Trump lên án phán quyết tại Colorado là “sai lầm toàn diện” và tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao liên bang, yêu cầu diễn giải lại Tu chính án 14. Trong bối cảnh đó, 9 thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ phải lần thứ hai trong hơn hai thập kỷ qua ra phán quyết có thể định đoạt cục diện cuộc bầu cử tổng thống.

Lần gần nhất phán quyết của Tòa án Tối cao ảnh hưởng trực tiếp đến bầu cử Mỹ là vụ kiện năm 2000 giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và phó tổng thống Al Gore của đảng Dân chủ. Vụ kiện này cũng liên quan đến Tu chính án thứ 14 và phe Cộng hòa cũng tìm cách bảo vệ ứng viên trên đường đua vào Nhà Trắng.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, bang Florida trở thành nơi quyết định Al Gore hay George W. Bush chiến thắng. Ông Gore ban đầu được dự báo sẽ thắng ở Florida, nhưng ông lại gọi điện chúc mừng Bush khi nhìn thấy đối thủ dẫn trước hàng chục nghìn phiếu giữa giai đoạn kiểm đếm. Chưa đầy một tiếng sau, Gore rút lại tuyên bố nhận thua khi kết quả cập nhật cho thấy khoảng cách giữa hai người đã thu hẹp đáng kể.

Với số phiếu quá sít sao, bang Florida kiểm lại phiếu của hai ứng viên theo đúng quy trình. Tranh cãi nổ ra khi ủy ban bầu cử phát hiện nhiều phiếu lỗi cũng như nguy cơ máy kiểm phiếu gặp trục trặc, khiến Tòa án Tối cao Florida yêu cầu kiểm đếm thủ công toàn bộ phiếu bầu, khiến kết quả cuối cùng có thể bị trì hoãn nhiều ngày.

Đảng Cộng hòa đưa sự việc lên Tòa án Tối cao liên bang, đòi diễn giải nguyên tắc “bảo vệ công bình” trong Tu chính án 14. Họ tranh luận tiêu chuẩn mà Tòa án Tối cao Florida áp dụng riêng tại bang này là không công bằng với những bang khác và cần vô hiệu hóa phán quyết kiểm phiếu lại.

Hơn một tháng sau ngày bầu cử, với 5 thẩm phán ủng hộ và 4 thẩm phán phản đối, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết có lợi cho ứng viên Bush, ngăn Florida kiểm phiếu lại thủ công. Al Gore không muốn kéo dài tình trạng rối ren của chính trường Mỹ nên không tiếp tục kháng cáo mà tuyên bố nhận thua ở Florida. Ông Bush chiến thắng nhờ hơn tổng số phiếu đại cử tri, dù kém Gore khoảng 6 triệu phiếu phổ thông.

Vụ kiện Bush và Gore đã ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án Tối cao, khi các thẩm phán ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử tổng thống. Phe phản đối cho rằng tổ chức kiểm lại phiếu là chức năng của cơ quan bầu cử bang, do đó Tòa án Tối cao đã làm sai chức năng khi can thiệp vào phán quyết cấp bang.

Hơn 20 năm sau, Tòa án Tối cao Mỹ một lần nữa đứng trước yêu cầu phải can thiệp vào quá trình bầu cử. Giới quan sát lo ngại uy tín của tòa tiếp tục bị thách thức, khi xã hội Mỹ đang phân cực sâu sắc giữa hai luồng dư luận ủng hộ và phản đối ông Trump.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ ở Conroe, bang Texas vào tháng 1/2022. Ảnh: Reuters

Phán quyết ở bang Colorado dù mới có hiệu lực với vòng bầu cử sơ bộ để lựa chọn ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử, song có thể áp dụng cả với cuộc bầu cử chính thức vào cuối năm sau, trong trường hợp ông Trump trở thành đối thủ của Tổng thống Biden.

Phán quyết này cũng có thể là cơ sở để tòa án bang Georgia và tòa án liên bang ở Washington xét xử cáo buộc ông Trump tham gia lật kèo bầu cử. Cựu tổng thống Mỹ không nhận tội trong loạt cáo buộc và các tòa án cấp bang, liên bang cũng chưa ra phán quyết cuối cùng.

Đội ngũ luật sư của Trump đang nỗ lực kháng cáo lên Tòa án Tối cao, đồng thời tìm cách đảo ngược phán quyết của tòa Colorado để tránh kịch bản nó trở thành án lệ ở các bang khác trong những vụ kiện ông “kích động” lật kèo bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Tòa án Tối cao Mỹ lần này có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để can thiệp vào phán quyết ở Colorado so với tranh chấp bầu cử năm 2000.

Trong vụ kiện năm 2000, Tòa án Tối cao đã phải xem xét liệu họ có thẩm quyền can thiệp vào phán quyết của bang Florida về quy trình kiểm phiếu hay không. Còn lần này, tòa Colorado áp dụng Tu chính án thứ 14 trong hiến pháp Mỹ để bác tư cách tranh cử của ông Trum, do đó Tòa án Tối cao hoàn toàn có quyền xử lý và can thiệp, theo Luke Sobota, thư ký cho cựu chánh án Tòa án Tối cao William Rehnquist, người từng tham gia phân xử tranh cãi giữa Al Gore và George W. Bush.

“Trong bối cảnh ông Trump đang đối mặt nhiều vụ án tương tự tại các bang khác, Tòa án Tối cao cần làm rõ liệu điều khoản về chống nổi loạn mà tòa Colorado viện dẫn có phù hợp hay không, nhằm ngăn tình trạng mỗi bang hiểu một kiểu về điều khoản này”, Sobota, nay là luật sư chủ chốt trong hãng luật quốc tế Three Crowns của Mỹ, nhận định.

Alexander Reinert, giáo sư luật tại Đại học Yeshiva ở New York, nhận định nếu Tòa án Tối cao thụ lý sự việc, bất cứ phán quyết nào họ đưa ra cũng đều tiềm ẩn những hệ lụy sâu sắc cho nền chính trị Mỹ.

Nếu các thẩm phán ra quyết định có lợi cho Trump, họ có thể đối mặt với nhiều hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của tòa án có quyền lực lớn nhất nước Mỹ. Phần lớn thẩm phán của Tòa án Tối cao là những người theo đường lối bảo thủ, trong đó có ba người được bổ nhiệm dưới thời Trump.

Nhưng nếu ra phán quyết bất lợi cho Trump, họ nhiều khả năng sẽ đối mặt với làn sóng giận dữ từ hàng triệu người ủng hộ ông. Trump gần đây cũng tìm cách khơi dậy làn sóng giận dữ này, khi cáo buộc quyết định của tòa Colorado là kế hoạch “săn phù thủy” và là “âm mưu can thiệp bầu cử”.

Ted Olson, luật sư từng đại diện cho ông Bush trong vụ kiện năm 2000 ở Tòa án Tối cao, cho rằng các thẩm phán nên nhanh chóng chấp nhận kháng cáo từ ông Trump. Ông lập luận đảo ngược phán quyết tại Colorado là điều cần thiết với chính trường Mỹ để đảm bảo cuộc bầu cử công bằng, bởi chỉ có cử tri mới có quyền quyết định ứng viên xứng đáng.

“Phán quyết tại Colorado không chỉ ngăn cử tri bỏ phiếu ủng hộ Trump, mà còn cản trở những người bỏ phiếu chống lại cựu tổng thống”, Olson nhận định.

Theo Thanh Danh/VNE (WSJ, Politico)

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.