Phát hiện cổng vào thành phố cổ bỏ hoang hơn 2.000 năm trước

Các nhà khoa học tìm thấy cánh cổng xây từ những khối đá lớn dẫn vào thành phố cổ Ullastret, nơi từng có tới 6.000 cư dân.

Phát hiện cổng vào thành phố cổ bỏ hoang hơn 2.000 năm trước

Các chuyên gia khai quật cổng vào thành phố cổ dưới hồ cạn Ullastret. Ảnh: Bảo tàng Khảo cổ Catalonia

Thành phố Ullastret, tồn tại ít nhất từ thế kỷ 6 trước Công nguyên và bị bỏ hoang vào thế kỷ 2 hoặc 3 trước Công nguyên, được phát hiện vào những năm 1930.

Các nhà khoa học nỗ lực khai quật nơi này trong những thập kỷ qua và mới đây, họ tìm thấy cánh cổng đồ sộ dẫn vào thành phố giữa hồ Ullastret, hồ nước đã khô cạn cách đây hơn 100 năm ở Tây Ban Nha, Newsweek hôm 7/7 đưa tin.

“Đây là một trong những phát hiện quan trọng nhất do nhóm thực hiện trong những năm gần đây”, Bảo tàng Khảo cổ Catalonia cho biết trong một bài thông báo trên mạng xã hội Facebook.

Cánh cổng dẫn đến khu vực thấp hơn của thành phố và có những khối đá khổng lồ bao quanh. Nó được phát hiện trong chuyến khai quật của Bảo tàng Khảo cổ Catalonia và tổ chức SPAHI ngày 6 - 30/6 tại hồ Ullastret. Trước đó, vào năm 2016, các nhà khảo cổ cũng từng đưa ra giả thuyết rằng có thể tồn tại một lối vào thành phố đồ sộ dưới lòng hồ.

Lối vào gồm hai nhánh song song, mỗi nhánh có chiều ngang 2,3 m, xây bằng những khối đá lớn được gia công tốt, xếp vuông góc với đoạn tường bao quanh khu vực phía tây thành phố. Những bức tường này chạy quanh một hành lang rộng 4 m, đóng vai trò là điểm bắt đầu của một trong những con đường chính của thành phố.

Thành phố do bộ tộc Indigete xây dựng và là đô thị lớn nhất tại Catalonia thời đó. Những tàn tích từng được tìm thấy trong thành phố bao gồm nhà cửa, kho chứa ngũ cốc và đền thờ. Giới chuyên gia cho rằng vào thời kỳ đỉnh cao, thành phố có hơn 6.000 người sinh sống.

Lối vào mới phát hiện đã bị các khối đá chặn hoàn toàn. Nhóm khảo cổ cho rằng lý do là để đóng cửa thành phố sau khi nó bị bỏ hoang. Thành phố bị bỏ hoang vào cuối thế kỷ 3 hoặc đầu thế kỷ 2 trước Công nguyên, có thể do cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai ở phía đông bắc bán đảo Iberia. Cuộc chiến này kéo dài từ năm 218 đến năm 201 trước Công nguyên, giữa nền văn minh Carthage, cai trị phần lớn Bắc Phi và Tây Ban Nha, với người La Mã, lúc đó thống trị Italy và các đảo Sardinia, Corsica.

Các nhà khảo cổ hy vọng có thể tiếp tục nghiên cứu địa điểm này để hiểu thêm về cuộc sống của người dân tại đây và lý do họ rời bỏ thành phố.

Theo Thu Thảo/VNE (Newsweek)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.