Phát hiện hành tinh có kích thước bằng 99% Trái Đất

Nhờ dữ liệu từ kính viễn vọng James Webb, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã xác định ngoại hành tinh có kích thước gần bằng Trái Đất, cách chúng ta 41 năm ánh sáng.

Phát hiện hành tinh có kích thước bằng 99% Trái Đất

Ảnh minh họa của LHS 475 b. Ảnh: NASA .

Ngày 11/1, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) đầu tiên được phát hiện bởi kính viễn vọng James Webb. Hành tinh có tên LHS 475 b với cấu trúc đất đá, cách 41 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Octans và kích thước bằng 99% Trái Đất.

Theo NBC, kết quả nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ ở Seattle, do các nhà thiên văn học thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học Johns Hopkins thực hiện.

Phát hiện ngoại hành tinh đánh dấu cột mốc quan trọng sau nửa năm hoạt động của kính viễn vọng James Webb, trị giá 10 tỷ USD. Trong tương lai, hệ thống có thể tìm kiếm hành tinh khả năng có sự sống, phân tích thành phần hóa học trong bầu khí quyển của chúng.

“Những kết quả quan sát đầu tiên về một hành tinh đất đá, kích thước bằng Trái Đất mở ra cơ hội nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đá bằng James Webb”, Mark Clampin, Giám đốc Vật lý Thiên văn của NASA chia sẻ.

Dù James Webb giúp xác định hành tinh đất đá LHS 475 b có kích thước tương đương Trái Đất, các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận liệu hành tinh này có khí quyển hay không.

Sử dụng máy quang phổ cận hồng ngoại (NIRSpec), các nhà thiên văn học có thể phân tích ánh sáng từ ngôi sao chủ của ngoại hành tinh.

Theo các nhà khoa học, LHS 475 b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, nhiệt độ bằng 50% Mặt Trời, mất 2 ngày để hoàn thành quỹ đạo quay.

Khi hành tinh nằm phía trước ngôi sao, NIRSpec có thể so sánh ánh sáng của ngôi sao được lọc qua khí quyển của hành tinh (nếu có) với ánh sáng khi không bị cản.

Công đoạn trên giúp xác định một số nguyên tố hoặc phân tử trong khí quyển của ngoại hành tinh. Ví dụ, dữ liệu quan sát có thể chỉ ra sự tồn tại của bầu khí quyển giàu hydro, chứa carbon dioxide hoặc metan.

Tuy nhiên, đợt quan sát hồi tháng 8/2022 chưa tiết lộ đặc điểm khí quyển đặc trưng của LHS 475 b. Các nhà khoa học đặt mục tiêu thu thập nhiều dữ liệu hơn trong mùa hè, giúp xác định sự tồn tại và thành phần bầu khí quyển của hành tinh.

Các nhà nghiên cứu dự đoán khí quyển của LHS 475 b có thể chứa carbon dioxide tinh khiết. Tuy nhiên, giả thuyết này khá khó để kết luận, kể cả khi sử dụng những thiết bị hiện đại của James Webb.

“Chúng tôi yêu cầu dữ liệu cực kỳ chính xác để phân biệt khí quyển chứa carbon dioxide với việc không có khí quyển. Khí quyển với carbon dioxide tinh khiết có thể rất mỏng như trên Hỏa tinh nên khó phát hiện”, Jacob Lustig-Yaeger, nghiên cứu sinh Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng cho biết.

Quan sát của James Webb cho thấy LHS 475 b ấm hơn Trái Đất vài trăm độ. Việc phân tích khí quyển có thể giúp các nhà khoa học mô tả đặc điểm của hành tinh này, từ đó đưa ra tính toán về những hành tinh đặc điểm tương tự.

Theo Zing

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.