Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society vào tuần trước, hố đen mới - được đặt tên là Gaia BH1 - có khối lượng gấp khoảng 10 lần Mặt Trời và cách chúng ta chỉ 1,566 năm ánh sáng trong chòm sao Xà Phu, biến nó trở thành hố đen gần Trái Đất nhất từng được biết đến, gần hơn gấp đôi so với hố đen giữ kỷ lục trước đó.
Gaia BH1 rất đặc biệt vì nó có “bạn đồng hành” là một ngôi sao giống như Mặt Trời (nặng bằng 0,93 lần Mặt Trời và có nhiệt độ bề mặt khoảng 5.580°C). Hai thiên thể này quay quanh nhau trong chu kỳ quỹ đạo 185,59 ngày với khoảng cách tương tự từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Đây là hệ thống đầu tiên thuộc loại này từng được quan sát thấy trong Dải Ngân hà, tác giả chính Kareem El-Badry, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts và Viện thiên văn học Max Planck của Đức, nhấn mạnh.
Mô phỏng hố đen Gaia BH1 và ngôi sao đồng hành giống như Mặt Trời. Ảnh: IGO/NOIRLab/NSF/AURA
Để tìm kiếm hố đen, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu để lập bản đồ vị trí và chuyển động của khoảng 2 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân hà. Khi phân tích dữ liệu, họ phát hiện một ngôi sao có dao động đặc biệt.
El-Badry nghi ngờ dao động đến từ lực kéo vô hình của một hố đen. Các quan sát chi tiết sau đó từ kính thiên văn dưới mặt đất như Magellan Clay và MPG/ESO ở Chile, Gemini North và Keck 1 ở Hawaii đã giúp xác nhận điều này.
Gaia BH1 có thể bắt nguồn từ một ngôi sao nặng gấp 20 lần Mặt Trời. Thông thường, những ngôi sao khổng lồ như vậy sẽ bay ra ngoài vào cuối cuộc đời của chúng, tiêu thụ mọi thứ trên đường đi trước khi sụp đổ vào bên trong để tạo thành một hố đen.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình này đáng lẽ phải nuốt chửng ngôi sao đồng hành của hố đen, hoặc ít nhất kéo nó vào một quỹ đạo chặt chẽ hơn nhiều, nhưng ngôi sao vẫn nguyên vẹn một cách bí ẩn và quay quanh hố đen ở một khoảng cách khá xa. Thách thức tiếp theo của các nhà thiên văn học là tìm hiểu xem điều này đã xảy ra như thế nào.