Mới đây các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Friday Harbor của Đại học Washington đã tìm thấy loài sinh vật sống sâu nhất thế giới.
Cụ thể đó là một loài cá ốc có tên là Pseudoliparis swirei - sống ở độ sâu 8.134m dưới rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất thế giới thuộc vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia, loài cá này có ngoại hình khá đẹp, với thân màu hơi hồng, không vảy, cơ thể trong suốt đến mức có thể nhìn thấy gan của chúng từ bên ngoài.
Tiến sĩ Mackenzie Gerringer thuộc Đại học Washington chia sẻ: "Do sống ở dưới độ sâu lớn nhất đại dương nên hình dạng của sinh vật này cũng có sự khác biệt lớn so với các sinh vật khác. Chúng không có vảy, không răng lớn và cũng không phát quang sinh học".
Ông cũng nói thêm rằng, đây là loài cá sống ở khu vực sâu nhất dưới đáy đại dương từng được phát hiện và rất mừng là chúng có tên chính thức.
Pseudoliparis swirei rất khỏe và phải khỏe như vậy thì chúng mới sống được ở nơi có áp lực nước mạnh và độ sâu "khủng" như vậy chứ. Áp lực ở độ sâu này lớn tới mức mà bạn có thể tưởng tượng như 1.600 con voi đứng trên ngón tay cái của bạn vậy.
Nghiên cứu sâu thêm các chuyên gia phát hiện, Pseudoliparis swirei dường như là sinh vật đặc hữu của rãnh Mariana khi số lượng cá thể sống ở đây cũng khá nhiều, trứng của chúng đặc biệt lớn với chiều rộng lên tới 1cm.
Tiến sĩ Mackenzie Gerringer còn phát hiện tới hàng trăm cá thể giáp xác nhỏ trong bụng của nhóm cá ốc này - điều đó chứng tỏ cá ốc P.swirei kiếm được nguồn thức ăn khá dồi dào ở dưới đáy biển.
Được biết, trong cuộc thám hiểm rãnh Mariana lần này, nhóm nghiên cứu đã bắt tổng cộng 37 cá thể Pseudoliparis swirei và ghi hình được cá thể đang bơi lội tung tăng dưới độ sâu 8.178m dưới đáy biển.
Theo các nhà khoa học, khó có loài sinh vật nào sống được ở độ sâu quá 8.200m, mặc dù điểm sâu nhất của rãnh Mariana - điểm sâu nhất đại dương lên tới 11.000m. Tuy vậy, phát hiện về loài cá Pseudoliparis swirei cũng khiến cho các nhà sinh vật học vui mừng khôn xiết.