Hành tinh lùn mới phát hiện ở cách Mặt Trời 13,6 tỷ km. Ảnh minh họa: Universe Today. |
Hành tinh lùn mới phát hiện có ký hiệu 2014 UZ224, có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời dài 1.100 năm và sẽ sớm được xếp vào nhóm các hành tinh lùn Ceres, Eris, Haumea, Makemake, và sao Diêm Vương, Science Alert hôm 12/10 đưa tin.
Ngoài 5 hành tinh lùn đã được chính thức công nhận, hệ Mặt Trời được cho là có ít nhất 100 hành tinh thuộc loại này ở vành đai Kuiper, vùng ở xa bên ngoài quỹ đạo sao Hải Vương, khu vực của sao chổi, tiểu hành tinh và các thiên thạch nhỏ.
Hành tinh 2014 UZ224 được một nhóm sinh viên do nhà vật lý David Gerdes ở Đại học Michigan, Mỹ, hướng dẫn phát hiện ra, trong một bản đồ các thiên hà khổng lồ thuộc dự án Khảo sát năng lượng tối (DES).
Để phát hiện một vật thể thuộc hệ Mặt Trời trong bản đồ khổng lồ của nhiều thiên hà xa xôi, nhóm nghiên cứu dựa vào quan sát chuyển động. "Khi quan sát các vật thể trong hệ Mặt Trời, bạn sẽ thấy chúng thay đổi vị trí trên bầu trời", Gerdes cho biết.
Nhóm nghiên cứu sau đó sử dụng phần mềm máy tính chuyên dụng để kết nối các chấm sáng quan sát được và rút ra kết luận đó là một vật thể duy nhất. "Chúng tôi thường chỉ quan sát một đối tượng trong một đêm, lần tiếp theo cách đó hai tuần, 5 ngày, rồi 4 tháng. Vì thế, kết nối dữ liệu là một thách thức lớn", Gerdes chia sẻ.
Phát hiện được xác nhận bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, nhưng chưa được xếp vào nhóm 5 hành tinh lùn hiện tại.
Mọi vật thể có đường kính trên 400 km trong vành đai Kuiper đều có thể được coi là một hành tinh lùn, nhà thiên văn Mike Brown thuộc Viện Công nghệ California, người chứng minh thành công Pluto là hành tinh lùn vào năm 2006 giải thích. 2014 UZ224 được ước tính có đường kính khoảng 530 km nên có thể sẽ được Hiệp hội thiên văn quốc tế xếp vào nhóm các hành tinh lùn đã biết.