Phát hiện vật thể sáng nhất trong vũ trụ

Một chuẩn tinh mới phát hiện phá vỡ nhiều kỷ lục, không chỉ là chuẩn tinh sáng nhất từng được quan sát, đó còn là thiên thể sáng nhất được tìm thấy.

Phát hiện vật thể sáng nhất trong vũ trụ

Mô phỏng chuẩn tinh lập kỷ lục J0529-4351. Ảnh: ESA

Chuẩn tinh J0529-4351 nằm ở xa Trái Đất đến mức ánh sáng mất 12 tỷ năm để truyền đến chúng ta. Năng lượng của nó đến từ hố đen đói khát và phát triển nhanh nhất mà giới nghiên cứu từng bắt gặp. Hố đen này tiêu thụ lượng vật chất bằng khối lượng của Mặt Trời mỗi ngày, theo nghiên cứu công bố hôm 19/2 trên tạp chí Nature Astronomy. Hố đen siêu khối lượng ở trung tâm của chuẩn tinh ước tính lớn gấp 17 - 19 tỷ lần Mặt Trời. Mỗi năm, nó “ăn” hay bồi tụ lượng khí và bụi tương đương 370 Mặt Trời. Điều này khiến J0529-4351 sáng gấp 500.000 tỷ lần so với Mặt Trời.

"Chúng tôi phát hiện hố đen phát triển nhanh nhất từng biết. Nó có khối lượng bằng 17 tỷ Mặt Trời và ăn hơn một Mặt Trời mỗi ngày. Nhờ đó, nó trở thành vật thể sáng nhất trong vũ trụ", nhà thiên văn học Christian Wolf ở Đại học Quốc gia Australia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

J0529-4351 được tìm ra trong dữ liệu cách đây 4 thập kỷ nhưng sáng đến mức các nhà thiên văn học không thể xác định nó là chuẩn tinh. Chuẩn tinh là khu vực ở trung tâm thiên hà, chứa hố đen siêu khối lượng, bao quanh bởi vòng bụi và khí. Điều kiện dữ dội ở đĩa bồi tụ quanh hố đen hoạt động làm nóng bụi và khí, khiến nó trở nên sáng rực. Ngoài ra, bất kỳ vật chất nào ở đĩa vật chất này không bị tiêu thụ bởi hố đen sẽ được dẫn tới cực của nó, bắn ra dưới dạng tia hạt ở gần vận tốc ánh sáng. Kết quả là chuẩn tinh ở khu vực nhân thiên hà hoạt động (AGN) có thể sáng hơn ánh sáng của hàng tỷ ngôi sao ở xung quanh gộp lại.

Nhưng ngay cả như vậy, J0529-4351 vẫn nổi bật. Ánh sáng của J0529-4351 đến từ đĩa bồi tụ khổng lồ cung cấp thức ăn cho hố đen siêu khối lượng. Nhóm nghiên cứu ước tính đường kính của nó vào khoảng 7 năm ánh sáng, gấp khoảng 45.000 lần quãng đường giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Ban đầu, J0529-4351 được phát hiện bởi kính viễn vọng Schmidt Southern Sky Survey năm 1980, nhưng các nhà nghiên cứu mất hàng thập kỷ để xác nhận nó là chuẩn tinh. Những cuộc khảo sát thiên văn lớn cung cấp nhiều dữ liệu đến mức nhà nghiên cứu cần mô hình học máy để phân tích và phân loại chuẩn tinh với thiên thể khác. Trên thực tế, J0529-4351 sáng đến mức các mô hình cho rằng nó là ngôi sao nằm tương đối gần Trái Đất. Nhóm nghiên cứu nhận ra J0529-4351 là chuẩn tinh nhờ sử dụng kính viễn vọng 2,3 m ở Đài quan sát Siding Spring ở Australia.

Tiếp theo, hố đen siêu khối lượng ở trung tâm của nó là mục tiêu hoàn hảo cho thiết bị GRAVITY + trên Kính viễn vọng rất lớn ở Chile. J0529-4351 cũng sẽ được nghiên cứu bằng Kính viễn vọng cực lớn (ELT) đang xây dựng trên sa mạc Atacama.

Theo VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.