Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Tuần lễ Triển lãm văn hóa, tháng 10/1945. Ảnh Internet
Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa
Đề cương về Văn hoá Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương) do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943 đã đưa ra 3 nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới, đó là: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa”, “Khoa học hóa”.
Chữ “hóa” trong cả 3 nguyên tắc nêu trên có ý nghĩa rộng hơn, bao hàm cả “xây” và “chống”, nhưng nhiệm vụ “chống” có ý nghĩa như chỉ ra công việc cấp bách lúc bấy giờ của văn hóa. Chỉ có chống lại các chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật, những kẻ vừa thống trị về chính trị, vừa áp bức về xã hội, vừa nô dịch về văn hóa thì mới xóa bỏ được lực cản lớn nhất để mở đường cho cách mạng văn hóa, làm cho nền văn hóa mới nảy nở và phát triển.
Đề cương khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đó là: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”; “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”.
Nội dung của Đề cương cho thấy, Đảng sử dụng rất nhiều phương thức lãnh đạo văn hóa, như lãnh đạo thông qua: công tác tư tưởng, tổ chức, cá nhân đảng viên, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, bảo vệ lợi ích thiết thực cho trí thức, văn nghệ sĩ...; những hình thức đấu tranh trực diện và gián tiếp thông qua phong trào quần chúng hợp pháp, nửa hợp pháp.
Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là lĩnh vực rất phức tạp, nếu thiếu cơ sở phương pháp luận đúng đắn thì vũ khí tư tưởng, văn hóa không phát huy được tác dụng. Đề cương khẳng định, đấu tranh với các học thuyết, tư tưởng, tông phái văn nghệ phải dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chỉ trên nền tảng tư tưởng, lý luận văn hóa, văn nghệ Mác-xít thì mới bóc trần được bản chất các thủ đoạn của Pháp, Nhật; xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị phù hợp với thực tiễn công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc; giải quyết hợp lý những công việc cần kíp trước mắt và nhiệm vụ cách mạng văn hóa sau khi giành được độc lập dân tộc.
Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943. Ảnh: baotanglichsu.vn
Thực trạng cấp bách
Đề cương đã khẳng định được tư duy sắc bén, tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới.
Hiện nay các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Chúng lợi dụng triệt để các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để cho rằng Đảng, Nhà nước bóp nghẹt tự do sáng tạo, đòi thành lập các hội, nhóm hoạt động văn hóa, văn nghệ độc lập với chính trị, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng tận dụng triệt để Internet, mạng xã hội, các đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài cùng nhiều ấn phẩm, nhất là những video trên các nền tảng như YouTube, Facebook... để chuyển tải các nội dung sai trái, thù địch nhằm lôi kéo, kích động làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch còn lợi dụng tâm lý, nhu cầu khẳng định cái tôi của văn nghệ sĩ để kích động, thuyết phục, lôi kéo một số văn nghệ sĩ, trí thức vào các hoạt động chống phá ở nhiều mức độ... Đây là một thực tế chuyển hóa rất nguy hiểm đi từ những vấn đề văn nghệ, giải trí đến chiều sâu nhất của văn hóa là tư tưởng, tạo ra những luồng nhận thức khác nhau trong xã hội và giới trí thức.
Bên cạnh đó, các đảng phái chính trị phản động ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn tấn công vào các khâu tổ chức sáng tạo, quản lý, lãnh đạo văn hóa; cổ xúy cho lối sống chạy theo hưởng thụ, giải trí; khắc sâu tâm trạng trống rỗng, hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Thực tế này hết sức nguy hại tới sự nghiệp chính trị của Đảng cũng như đe dọa sự tồn vong của nền độc lập dân tộc.
Hội thảo khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - Một số vấn đề lý luận cơ bản” do Trường Chính trị Trần Phú tổ chức vào tháng 10/2023.
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn hiện nay, cần quan tâm và tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là: Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần tỉnh táo, bản lĩnh để nhận diện rõ tác hại, mức độ nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa đối với an ninh quốc gia, sự sống còn của chế độ, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm phòng, chống hoạt động của các phần tử chống phá chế độ.
Hai là: Các cấp ủy Đảng và các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, bảo đảm được định hướng chính trị trên lĩnh vực văn hóa, khắc phục những hiện tượng thiếu dân chủ hoặc can thiệp thái quá đối với hoạt động văn hóa hoặc ngược lại là buông lỏng, né tránh, lúng túng, bị động trong xử lý các vấn đề về văn hóa.
Thường xuyên bồi dưỡng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cho đội ngũ làm công tác văn hóa, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Ba là: Muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định trúng phương pháp đấu tranh với từng đối tượng. Không gian mạng đang trở thành mặt trận chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa, văn nghệ mà chúng ta phải tận dụng tối đa, giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần tỉnh táo, bản lĩnh để nhận diện rõ tác hại, mức độ nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Ảnh dangcongsan.vn
Bốn là: Phải nâng cao nội lực, sức đề kháng và bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân trong khối đại đoàn kết dân tộc. Cần thực thi nghiêm túc đường lối văn hóa của Đảng, coi trọng xây dựng văn hóa đạo đức, sự liêm sỉ, tận tâm cống hiến, khát vọng phát triển và tinh thần thượng tôn pháp luật, vì lợi ích quốc gia từ trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, trong các doanh nghiệp, đoàn thể, cộng đồng dân cư và gia đình.
Đề cao vai trò nêu gương cũng như làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, các cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tập hợp, tổ chức và động viên sự sáng tạo của Nhân dân, của đội ngũ văn nghệ sĩ. Khuyến khích các tài năng trẻ, tôn vinh xứng đáng những văn nghệ sĩ có công lao đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa.
Năm là: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải luôn có bản lĩnh vững vàng, chiến lược phát triển văn hóa đúng đắn, nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ sùng ngoại, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.