Theo thông báo, cuộc diễn tập quân sự chung mang tên Garuda VI giữa không quân Pháp và Ấn Độ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 14/7 tại phía Tây Nam của nước Pháp.
Ấn Độ đã điều động những "báu vật bầu trời" của mình, đó là 4 tiêm kích hạng nặng Su-30MKI, 1 máy bay tiếp dầu Il-78, 2 máy bay vận tải hạng nặng C-17 cùng 120 sĩ quan tham gia đợt diễn tập chung với Pháp.
Về phía Pháp, nước này cũng đáp lại bằng một lực lượng hùng hậu gồm tiêm kích Rafale, Mirage 2000; máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không E-3F.
Hoạt động quân sự trên còn là cơ hội hiếm có với Ấn Độ khi giúp họ hiểu rõ hơn về tính năng của các tiêm kích tối tân Rafale mà nước này sẽ tiếp nhận lô đầu tiên với số lượng 36 chiếc.
Bên cạnh 36 máy bay nhận theo dạng thành phẩm, Ấn Độ còn đang để ngỏ khả năng mua tiếp 126 chiếc Rafale nữa dưới dạng sản xuất theo giấy phép trong chương trình "Make in India".
Dự kiến các chiến đấu cơ của hai nước sẽ tiến hành đầy đủ các bài tập gồm đối kháng cự ly gần và xa, tấn công mục tiêu mặt đất hay phối hợp chỉ huy đường không.
Vấn đề kiểm tra sự tương thích hệ thống cũng là rất quan trọng, khi Su-30MKI là tiêm kích gốc Nga nên sẽ cần phải hiệu chỉnh một số thiết bị nếu muốn phối hợp cùng Rafale.
Để tăng thêm mức độ trực quan cũng như hiểu rõ hơn nữa về vũ khí của nhau, các phi công lái Su-30MKI cũng như Rafale đã tiến hành đổi máy bay cho nhau.
Đây thực chất cũng là việc làm thường gặp trong các cuộc diễn tập quân sự quốc tế, nhằm gia tăng sự tin tưởng cũng như hiểu rõ hơn tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện đối tác.
Phi công Pháp và Ấn Độ đều bày tỏ sự thích thú và thán phục mức độ hiện đại trên máy bay chiến đấu của nhau, triển vọng để hai dòng tiêm kích này cùng phục vụ với số lượng lớn trong không quân Ấn Độ là khá xán lạn.
Ấn Độ đang vận hành phi đội 272 tiêm kích Su-30MKI, số lượng này nhiều hơn toàn bộ Su-30 các biến thể (Su-30SM, Su-30M2) đang phục vụ trong quân đội Nga (200 chiếc).
Ấn Độ thời gian gần đây đang thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để tránh bị phụ thuộc vào đối tác duy nhất là Nga, họ đã mua thêm khá nhiều vũ khí do Mỹ, Pháp, Israel sản xuất.
Ngoài tác dụng kể trên, Ấn Độ còn hy vọng rằng các tiêm kích nguồn gốc phương Tây sẽ giúp cho nước này chiếm ưu thế trước Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn.
Nhờ những phương tiện tác chiến khác biệt với đối thủ, Trung Quốc sẽ khó lòng bắt bài được Ấn Độ, điều mà họ sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi đối đầu với vũ khí Nga sản xuất.