Sáng 27/5, Sở Nội vụ Hà Tĩnh phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, lãnh đạo Sở Nội vụ và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng dự.
Khai mạc hội nghị, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo với trên 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trên 26 triệu đồng bào là tín đồ các tổ chức tôn giáo. Đến nay, cả nước có 39 tổ chức tôn giáo, 2 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng.
Những năm qua, cùng với việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng đặc biệt được Nhà nước quan tâm. Việc phổ biến kiến thức pháp luật sẽ giúp công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo cũng như người đại diện, ban quản lý nắm được những kiến thức pháp luật cần thiết để điều chỉnh hành vi, hoạt động theo quy định của pháp luật; biết sử dụng pháp luật như những công cụ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.
Trong thời gian 4 ngày (27 - 30/5) diễn ra hội nghị, gần 500 đại biểu là các chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh sẽ nghe TS. Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Ban Tôn giáo Chính phủ) truyền đạt các nội dung: khái quát tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và những nội dung cơ bản về quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; nội dung cơ bản của Luật tín ngưỡng, tôn giáo; những điểm mới của Nghị định số 95/NĐ-2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017; các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo; khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật, giải pháp thực hiện và giải đáp thắc mắc liên quan đến một số quy định của luật, nghị định cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Đây là những nội dung thiết thực, giúp đại biểu hiểu hơn về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hội nghị cũng dành thời gian để trao đổi, giải đáp thắc mắc của chức sắc, chức việc các tôn giáo trong quá trình hoạt động tôn giáo tại địa phương.
Ban Tổ chức mong muốn, các đại biểu sẽ trở thành các báo cáo viên cho chính cơ sở, tổ chức của mình; tiếp tục thông tin, trao đổi tới chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng những quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, giúp cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào ngày càng được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm đối với các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã quy định.