Môi trường xã hội cũng như áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” khiến cho mối quan hệ giữa phụ huynh và con trẻ có những khoảng cách trong việc thấu hiểu lẫn nhau. Dù rằng các bậc cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với con nhưng nhiều lúc lại “quên” rằng con cũng có những suy nghĩ, ý kiến, có hành động, ước mơ riêng của mình.
Gia đình anh Chiến, chị Phong luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc để con được nêu ý kiến, chia sẻ quan điểm cá nhân, vợ chồng anh Lê Đình Chiến và chị Nguyễn Thị Phong (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) luôn xác định cần tôn trọng, lắng nghe nguyện vọng của con. “Việc lắng nghe con và đưa ra những hướng phản hồi, giải thích phù hợp là điều rất cần thiết.
Những cuộc trò chuyện mở ra sự gắn kết mối quan hệ giữa 2 thế hệ trong gia đình, từ đó tạo lập nên một môi trường sống gia đình lý tưởng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, cần tạo lập cho con trẻ khả năng đưa ra ý kiến, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm đối với những quyết định” - chị Phong chia sẻ.
Bố mẹ dành nhiều thời gian cho con để gần gũi và hiểu con hơn
Chị cũng cho biết, vợ chồng chị thường xuyên dành nhiều thời gian chơi với các con, lắng nghe con nói, tâm sự, chia sẻ, giải đáp thắc mắc, hỏi ý kiến và tạo điều kiện để con vui chơi, học tập, tham gia các hoạt động phù hợp với độ tuổi, khả năng và mong muốn.
Còn gia đình anh Trần Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Hằng (thị trấn Nghèn, Can Lộc) lại luôn khuyến khích con nêu lên ý kiến cá nhân, đưa ra những câu hỏi về các vấn đề trong cuộc sống. Theo anh chị, bản thân mỗi đứa trẻ đều có một cá tính, sở thích riêng. Vì vậy, bố mẹ cần tôn trọng, lắng nghe để có thể hiểu rõ hơn về con mình.
Từ những việc như xây dựng khung giờ, không gian sinh hoạt chung và riêng của gia đình tới lựa chọn môn thể thao, sử dụng điện thoại thông minh, vật dụng cá nhân của con…, anh chị đều tạo điều kiện để cậu con trai của mình là Trần Hoàng Việt (SN 2011) tham gia ý kiến. Từ đó, cả gia đình sẽ cùng thảo luận để đưa ra phương án cuối cùng.
Khoảng thời gian sau bữa ăn thường được nhiều bậc phụ huynh dành để trò chuyện, tâm sự cùng con cái. Ảnh minh họa internet
Thời gian sau bữa ăn hay ngày cuối tuần cũng là lúc anh chị trò chuyện với con về những việc diễn ra ở trường lớp, kế hoạch học tập, vui chơi, mong muốn của con thời gian tới…
Anh Dũng chia sẻ: “Ngày nay, những đứa trẻ như con trai tôi được tiếp cận với công nghệ thông tin từ rất sớm và chịu nhiều ảnh hưởng của mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích thì rất nhiều thông tin xấu, độc cũng sẽ dễ dàng tiếp cận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới các con. Vì thế, bố mẹ cần xây dựng nền tảng, tìm được tiếng nói chung để các con mạnh dạn chia sẻ, giao tiếp, giúp các bậc phụ huynh có thể nắm bắt tâm lý, kịp thời định hướng, giáo dục cho trẻ”.
Đại diện trẻ em huyện Cẩm Xuyên chia sẻ về các vấn đề các em quan tâm tại diễn đàn trẻ em do Tỉnh đoàn tổ chức
Để con được nói lên tiếng nói, thử sức làm theo ý kiến của mình là điều rất cần thiết, giúp các con trưởng thành, tự lập hơn với suy nghĩ, lập trường riêng. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức, phát huy quyền tham gia của con trẻ trong gia đình, lắng nghe trẻ em nói, tôn trọng ý kiến của trẻ, để trẻ em được yêu thương, chăm sóc và giáo dục tốt nhất.