Nga hiện không đàm phán với Việt Nam về Cam Ranh
Ngày 21/11, ông Viktor Ozerov - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) nói với giới truyền thông rằng, nước này hiện không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về vấn đề hồi sinh căn cứ quân sự của Nga tại Cuba và Việt Nam.
Tuy nhiên, ông tâm sự rằng, những câu chuyện về căn cứ Cam Ranh từ thời Liên Xô quản lý năm 1979 và sau này là Nga kế thừa và rút lui năm 2002, đã được nhiều quan chức và đại biểu nhắc đến, trong các chuyến thăm của những phái đoàn đại biểu quân sự và dân sự từ Nga đến Việt Nam.
Ông Ozerov nói, hiện Nga không tiến hành những cuộc thương lượng về việc tái triển khai các căn cứ quân sự như vậy, điều này đã được Bộ Ngoại giao chính thức xác nhận nhưng "hoài niệm về những gì từng có ở Cuba và Việt Nam là cảm xúc của chúng ta cũng như của phía các bạn".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, không có những cuộc bàn bạc chính thức không có nghĩa là trong thời gian các chuyến thăm của các phái đoàn cả quân sự lẫn dân sự từ Nga đến Việt Nam và Cuba, những sự vụ có liên quan đến căn cứ Cam Ranh và Lourdes không được nói đến.
Vị quan chức Thượng viện Nga cho biết, trên bàn đàm phán thì đương nhiên là không được, nhưng sau bàn đàm phán các đại biểu hai bên thường đề cập tới những điều kiện tối ưu có thể, để khôi phục chức năng của những căn cứ ở Việt Nam và Cuba.
Trái ngược với thông tin Nga không đàm phán mở lại căn cứ quân sự nước ngoài, trước đây khoảng 1 tháng, một quan chức quốc phòng cao cấp của Nga đã tuyên bố rằng, nếu cần thiết, những căn cứ quân sự kiểu như Gmeymim và Tartous của Syria nên được mở lại ở Việt Nam và Cuba.
Nga rất mong muốn tái lập căn cứ quân sự ở cảng Cam Ranh của Việt Nam |
Trong dịp Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn Hiệp định với Syria về triển khai nhóm Không quân Nga vô thời hạn trên lãnh thổ Syria, Phó Chủ tịch đảng “Nước Nga công bằng” là ông Oleg Nilov cho rằng, Nga nên trở lại các căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba.
"Nếu cần thiết, thì những căn cứ như vậy, tôi cho rằng, cần trở lại cả ở Việt Nam và Cuba. Nếu người ta không muốn nói chuyện với chúng ta bằng ngôn ngữ ngoại giao, thì chúng ta sẽ đấu tranh với mọi mối đe dọa trên thế giới, trước hết là đối với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS và tất cả những kẻ bảo trợ chúng” ông Oleg Nilov nói.
Đồng thời, cũng trong phiên họp đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov cũng tuyên bố trước Duma Quốc gia rằng, Bộ này đang xem xét khả năng trở lại căn cứ quân sự ở các nước đã từng bố trí trong thời Liên Xô, trong đó có Syria, Việt Nam và Cuba.
Nga cần nhưng Việt Nam không thay đổi quan điểm
Những tiền đề cho việc Nga trở lại Cam Ranh đã xuất hiện từ trước khi quan hệ của Nga với phương Tây xấu đi, sau cuộc chính biến ở Ukraine, dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước mình và sau đó là cuộc nội chiến bùng phát ở Donbass.
Năm 2013, Moscow và Hà Nội đã nhất trí các điều kiện cùng có lợi trong việc sử dụng Cam Ranh, sang năm 2014 là việc giản hóa trình tự thủ tục cho tàu chiến Nga dùng căn cứ Việt Nam. Tại Cam Ranh cũng có các máy bay Il-78 phục vụ tiếp liệu cho máy bay ném bom Tu-95MS
Trước những thông tin đồn thổi về việc Nga có thể tái triển khai căn cứ quân sự ở Cam Ranh của Việt Nam, Đô đốc Viktor Kravchenko, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga đã lên tiếng lý giải lí do vì sao hải quân Nga lại thể hiện sự quan tâm đến căn cứ này nhiều như vậy.
Vị cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga nhận xét rằng, không giống như Hoa Kỳ, mà bây giờ đang sở hữu hàng trăm căn cứ trên khắp thế giới, thuộc quyền sử dụng của Liên bang Nga ở nước ngoài hiện chỉ có căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim của Syria.
Theo ông, việc thiếu những căn cứ quân sự ở nước ngoài đã hạn chế phạm vi và chức năng nhiệm vụ của lực lượng không-hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương. Hạm đội này đang cần đến căn cứ ở Việt Nam trên hành trình sang Ấn Độ Dương, như một điểm dừng giữa chặng.
Cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân, Phó Đô đốc Vladimir Pepeliaev cũng nhận định rằng, căn cứ ở Cam Ranh cần cho Nga để bảo vệ tuyến hàng hải lưu thông của các tàu biển, ví dụ như tàu cung cấp phương tiện, hàng hóa từ Vladivostok đến Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Nga sau đó đã lên tiếng bác bỏ tin đồn về việc Moscow đang đàm phán với Hà Nội về việc mở lại căn cứ quân sự ở Cam Ranh. Đồng thời, các chuyên viên nhận xét rằng, lập trường của Việt Nam về vấn đề căn cứ quân sự nước ngoài khó lòng thay đổi.
Quan chức Nga thừa nhận, Nga không thể lập căn cứ quân sự ở Việt Nam như dưới thời Liên Xô |
Việc kiên trì nguyên tắc “ba không” đã thực hiện lâu nay cho phép Việt Nam không rơi vào sự lệ thuộc vào các cường quốc và tránh tham dự vào cuộc đối đầu theo khối - chuyên viên Anton Tsvetov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga nhận xét.
Chuyên viên Anton Tsvetov khẳng định, tính đến chuyện triển khai căn cứ quân sự thường trực tại Cam Ranh là rất khó, bởi Hà Nội đã từng nhiều lần tuyên bố, vấn đề này không bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam là ông Lê Hải Bình gần đây nhất là vào ngày 12/10 đã nêu rõ, trong thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Nga cũng như với các đối tác lớn khác trên thế giới đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ.
Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định một lần nữa rằng: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên kết với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam…”.