Lần đầu tiên trong lịch sử, một kỳ thủ Việt Nam thắng đương kim vô địch thế giới ở cờ tiêu chuẩn. Trong ván đấu buộc phải thắng để giúp đội nhà thoát thua trận đấu với Trung Quốc, Quang Liêm (Elo 2.741) đã lập kỳ tích khi hạ Đinh (2.736) sau 62 nước đi, sáng sớm 17/9, giờ Hà Nội.
Ván đấu kéo dài gần 5 tiếng, và ở thời điểm cuối, Đinh lấy hai tay che mặt, khẽ thở dài, rồi bấm dừng đồng hồ và bắt tay Quang Liêm. Kỳ thủ số một Việt Nam thì không để lộ nhiều cảm xúc, gương mặt giãn ra, tỏ vẻ nhẹ nhõm và ngả nhẹ người ra sau ghế. Đây là ván đấu được quan tâm nhất ở vòng sáu, diễn ra ở bàn chính, nơi duy nhất những góc quay từ bàn cờ hướng lên mặt kỳ thủ.
Quang Liêm chỉ chiếm ưu thế nhỏ từ tàn cuộc xe, tượng cùng màu, lại có lợi thế thời gian. Đinh đi một số nước yếu, khi chỉ còn vài giây trên đồng hồ. Tận dụng thời cơ, kỳ thủ số một Việt Nam bắt được hơn một tốt, đổi tượng, rồi dần chuyển hóa thành ưu thế thắng. Vua cờ cố gắng cầm cự thêm khoảng 20 nước, trước khi đầu hàng.
Chiến thắng của Quang Liêm quan trọng, ấn định tỷ số hòa 2-2 cho đội nam. Trong ba bàn còn lại kết thúc trước đó, ván đấu giữa Nguyễn Ngọc Trường Sơn (2.633) và Vi Dịch (2.762) hòa nhanh sau 15 nước. Trần Tuấn Minh (2.434) thất bại trước Vương Nguyệt (2.637), rồi Lê Tuấn Minh (2.564) bất phân thắng bại với Dư Ương Y (2.703).
Kết quả hòa cho đội nam có thể xem là bất ngờ, khi bốn kỳ thủ Trung Quốc chơi trận này có Elo trung bình 2.710, so với Việt Nam chỉ 2.593. Cả bốn đối thủ này đều từng vào Top 10 thế giới, điều chưa có kỳ thủ nào của Việt Nam làm được trong lịch sử.
Trong hai trận trước đó, Quang Liêm và đồng đội cũng thắng đương kim vô địch Uzbekistan và hạt giống số 11 Ba Lan. "Việt Nam tạo ra địa chấn thứ ba liên tiếp, khi cầm hòa Trung Quốc", Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) bình luận.
Lê Quang Liêm một lần nữa vươn lên đỉnh cao sự nghiệp, với Elo tức thời 2.749,9 và đứng vị trí 12 thế giới. Anh chỉ còn cách Top 10 thế giới 1 Elo. Kỳ thủ 33 tuổi cũng giữ vững thành tích bất bại mỗi khi đấu với Đinh ở cờ tiêu chuẩn, với hai ván thắng, sáu hòa.
Đinh được coi là "vua cờ", danh hiệu không chính thức dành cho nhà vô địch cờ tiêu chuẩn thế giới. Nhưng kể từ khi đăng quang, phong độ của kỳ thủ 30 tuổi sa sút. Anh bật khỏi Top 20 thế giới, rơi xuống vị trí 22. Trong bốn ván đầu tại giải, đương kim vô địch thế giới toàn hòa. Anh chỉ cần hòa ván thứ năm để giúp Trung Quốc giữ vững mạch thắng, nhưng bất thành.
Với năm trận thắng, một hòa sau sáu vòng, đội nam khởi đầu tốt nhất lịch sử ở Olympiad cờ vua. Với 11 điểm trận, Việt Nam chỉ đang đứng sau hạt giống số hai Ấn Độ - đội duy nhất toàn thắng cả sáu vòng đấu bảng Mở rộng.
Cùng thời điểm, đội nữ thất bại 1,5-2,5 trước hạt giống số sáu Azerbaijan. Trong khi Bạch Ngọc Thùy Dương (2.214) hòa Khanim Balajayeva (2.384), Võ Thị Kim Phụng (2.320) và Lương Phương Hạnh (2.225) thua Ulviyya Fataliyeva (2.378) và Govhar Beydullayeva (2.395). Ở ván cuối, Phạm Lê Thảo Nguyên (2.380) đặt bẫy chiếu hết sau một nước và thắng Gunay Mammadzada (2.433).
Sau vòng sáu, Việt Nam đang đứng nhì bảng Mở rộng, với 11 điểm. Ở bảng Nữ, đội đang có tám điểm, đứng vị trí 23. Ở cả hai bảng, Ấn Độ đều đang dẫn đầu với sáu trận toàn thắng.
Hôm nay 17/9, giải sẽ nghỉ ngày duy nhất, trước khi bước vào năm vòng thi cuối cùng. Vòng bảy bắt đầu lúc 20h thứ Tư 18/9, giờ Hà Nội, khi đội nam gặp hạt giống số 10 Iran, còn đội nữ đấu với CH Czech.
Olympiad cờ vua 2024 diễn ra tại Budapest, Hungary từ 10/9 đến 23/9, đánh dấu 100 năm lịch sử giải. Bảng Mở rộng có 196 đoàn tham dự, còn bảng Nữ xuất hiện 183 đoàn. Giải được coi là Olympic của làng cờ, quy tụ hầu hết kỳ thủ hàng đầu thế giới.
Các đội đấu 11 vòng, tính điểm để trao huy chương. Mỗi trận diễn ra giữa hai đội, trên bốn bàn đấu cạnh nhau. Mỗi đội cử bốn kỳ thủ thi đấu một cách riêng biệt, không can thiệp vào ván đấu của nhau. Mỗi ván thắng được một điểm, hòa 0,5 điểm và thua không được điểm. Đội nào giành 2,5 điểm trở lên sẽ thắng trận, hòa nếu tỷ số là 2-2. Mỗi trận thắng giúp đội được hai điểm, hòa một điểm và thua không có điểm.
Thành tích tốt nhất của Việt Nam ở bảng Mở rộng là thứ bảy, năm 2012 và 2018. Đó cũng là vị trí cao nhất của đội nữ, năm 2016. Còn nếu xét kết quả tổng hợp giữa hai bảng, Việt Nam từng đứng cao nhất thứ chín, năm 2018.