Đầu tháng 3, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch gây chia rẽ nhằm tăng thời gian làm việc lên 69 giờ/tuần, tăng từ mức giới hạn hiện tại là 52 giờ.
Đề xuất này đã gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức, buộc chính phủ phải suy nghĩ lại về kế hoạch, theo Insider .
Kim Eun-Hye, thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/3 rằng chính phủ đang thực hiện một hướng đi mới sau dư luận tiêu cực về đề xuất tăng lương, CNN đưa tin.
Nhưng mọi chuyện chưa chấm dứt ở đó: vào ngày 25/3, khoảng 13.000 thành viên công đoàn đã tập trung tại Daehak-ro để phản đối cải cách, với những tấm biển ghi “bãi bỏ 69 giờ” và “Yoon Suk Yeol”.
Insider đã nói chuyện với 3 người lao động tại Hàn Quốc về sự cần thiết của cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống. Tất cả họ đều nói rằng những kỳ vọng về công việc là trên hết, và đất nước này không còn phù hợp với họ nữa.
Làm việc đến chết
Park Jong-gwan, một gia sư 28 tuổi, cho biết Hàn Quốc có các hệ thống để bảo vệ người lao động, nhưng chúng không hiệu quả. Park cho biết anh làm việc ít nhất 48 giờ/tuần và phải làm nhiều hơn trong mùa thi cử.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc thừa nhận phải làm việc đến kiệt sức. Ảnh minh họa: Bloomberg.
“Tôi đang cân nhắc có một người bạn cùng phòng để chia sẻ việc nhà, ngay cả khi điều đó cũng chỉ để tồn tại”, Park nói.
Một người lao động ngoài 30 tuổi khác (từ chối tiết lộ tên), đang làm việc 60-64 giờ/tuần cho doanh nghiệp nhỏ, bày tỏ sự phản đối: “Ngay cả khi luật trên chỉ làm tạm thời, việc cho phép làm 69 giờ hoặc 80,5 giờ một tuần cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe người dân”.
“Tôi cũng thấy mình kiệt sức”, người này nói thêm.
Trong đó, giới hạn 69 giờ liên quan đến tuần làm việc 6 ngày, trong khi giới hạn 80,5 giờ áp dụng cho tuần làm việc 7 ngày, theo hãng tin Han Kyeo Re của Hàn Quốc.
Hàn Quốc là quốc gia nơi người lao động làm việc quá sức nhiều nhất ở châu Á và nhiều thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu triển vọng việc làm do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp vào năm 2022.
Trung bình, một người lao động nước này đã làm việc 1.915 giờ vào năm 2021. Cùng năm, một người lao động Mỹ làm việc trung bình 1.791 giờ.
Làm việc quá nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, đến mức ở Hàn Quốc có một thuật ngữ chỉ cái chết do làm việc quá sức: “gwarosa”.
Vào năm 2020, 14 nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đã chết vì làm việc quá sức do lượng giao hàng tăng lên trong đại dịch Covid-19, Reuters đưa tin, trích dẫn phát ngôn của một đại diện của công đoàn.
Làm việc quá sức cũng có liên quan đến chất lượng cuộc sống thấp hơn ở nước này.
Theo một bài báo nghiên cứu vào tháng 8/2020 về tác động tiêu cực của thời gian làm việc dài đối với lao động trẻ Hàn Quốc, “thời gian làm việc kéo dài có liên quan đến căng thẳng, trầm cảm và ý định tự tử ở những nhân viên trẻ, từ 20 đến 35 tuổi”. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ 3.332 nhân viên trẻ tuổi.
Đáng chú ý, văn hóa làm việc quá sức, thậm chí làm việc đến chết không chỉ tồn tại ở Hàn Quốc. Theo một nghiên cứu vào tháng 5/2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế, thời gian làm việc quá dài đã giết chết 745.000 người trên toàn cầu do đột quỵ và bệnh tim vào năm 2016, tăng 29% kể từ năm 2000.
Không có thời gian sinh đẻ, chăm con
Văn hóa làm việc quá sức ở xứ củ sâm còn có mối liên hệ với một vấn đề cấp bách khác của đất nước này, đó là tỷ lệ sinh thấp.
Vào ngày 22/2, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, một tổ chức chính phủ trung ương, đã công bố dữ liệu đáng chú ý.
Tổng tỷ suất sinh của nước này (tổng số trẻ em trên một phụ nữ trong thời kỳ sinh sản) giảm xuống chỉ còn 0,78 vào năm 2022, từ mức 0,81 vào năm 2021.
Làm việc quá sức có liên quan đến tỷ lệ sinh giảm của Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Reuters.
Tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa với hai vấn đề cấp bách: dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp. Cả hai đều có tác động theo chu kỳ - ít người hơn trong lực lượng lao động đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, do đó, khiến chính phủ khó khăn trong chăm sóc công dân lớn tuổi.
Ngày 27/3, Bộ lao động và việc làm của Hàn Quốc đã đăng một dòng tweet làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ của người lao động nước này: “Mối liên hệ giữa cải cách hệ thống giờ làm việc và tỷ lệ sinh thấp thiếu sự biện minh hợp lý”.
Ngay sau đó, “sự biện minh hợp lý” và “bộ lao động và việc làm” trở thành những từ khóa tìm kiếm hàng đầu trên Twitter nước này.
Hwang Woo-sang, một nhà thiết kế trò chơi, nói với Insider: “Tôi nghĩ các tweet của Bộ là những nội dung ác ý, cố tình bóp méo phần mà hệ thống thời gian làm việc 69 giờ đang thúc đẩy ra xung đột giới tính”.
Hwang sống với bạn đời của mình nhưng không kết hôn. Anh nói rằng mình muốn có con, nhưng đang phải đối mặt với những trở ngại về tài chính và tâm lý để đạt được điều đó. Anh tin cải cách gia tăng giờ làm việc sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh của đất nước.
Trong một bài báo tiếng Hàn của Kyunghyang News có tiêu đề “Đi làm 69 giờ một tuần, có thể đi sinh con, nhưng nghỉ phép chăm con thì không”, kết quả khảo sát và phỏng vấn cho thấy nhiều người lao động Hàn Quốc không thể tự do nghỉ phép chăm con, bởi những lý do như áp lực công việc và cắt giảm lương.
“Đừng nói tới 69 giờ, chỉ làm 60 giờ trong tuần làm việc 5 ngày, hôm nào cũng 23h đêm mới tan sở, ai sẽ sinh con và nuôi con đây?”, đại diện Workplace Gabjil 119, một tổ chức bảo vệ người lao động, nói với Kyunghyang News.