Quang cảnh phiên họp ngày 30/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5 , Quốc hội dành cả ngày 31/5 để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch.
Trong đó, nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách Nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (cao hơn số đã báo cáo 18,3 nghìn tỷ đồng); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% (đã báo cáo 6,4-11,5%).
Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đến hết năm 2022 đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn...
Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm; xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Báo cáo Chính phủ nhận định, tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%). Trong đó, nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Việc triển khai một số chính sách của ba Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, chuyển trạng thái đột ngột. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.
Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ...