Thành phố Hà Tĩnh đang nỗ lực xây dựng đô thị loại II.
Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy hoạch KT-XH Hà Tĩnh thời gian qua luôn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động phát triển của toàn tỉnh. Theo đánh giá, mặc dù quy hoạch KT-XH của Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước thời điểm phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ nhưng về tổng thể vẫn phù hợp với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của quy hoạch phát triển vùng. Đặc biệt hơn, định hướng phát triển kinh tế biển, vùng biển và ven biển, cảng biển, khu kinh tế ven biển... của quy hoạch KT-XH của tỉnh cũng phù hợp với định hướng phát triển của quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020.
Ba cụm ngành trọng điểm làm động lực chính tạo đột phá cho tăng trưởng (sắt thép, nông nghiệp, thương mại, giao thông vận tải và hậu cần) trong giai đoạn đầu triển khai (2011-2015) đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân trên 17% (mục tiêu quy hoạch tổng thể là 15,8%, quy hoạch vùng bình quân 7,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng.
Cầu Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên)
Nông nghiệp - nông thôn phát triển khá toàn diện với công tác triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành và chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả. Các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tập trung phát triển và nâng cao giá trị, tỷ trọng sản xuất thủy sản và chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành được nâng cao. Bên cạnh đó, nuôi trồng và khai thác thủy sản ven biển phát triển nhanh, nhất là thủy sản có giá trị cao; phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ; mở rộng khai thác vùng lộng và khơi; phát triển các tổ đội sản xuất trên biển gắn với hình thành các nghiệp đoàn nghề cá…
Công nghiệp có bước phát triển đột phá với điểm nhấn khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trở thành trung tâm thu hút các dự án FDI. Trung tâm công nghiệp nặng và tổ hợp cảng biển tại KKT Vũng Áng từng bước hình thành, khẳng định vai trò động lực phát triển vùng khi trở thành điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm như quốc lộ 1A, tuyến ven biển, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, nhiệt điện Vũng Áng, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, KKT Cửa khẩu Cầu Treo cũng được tập trung đầu tư, khai thác tối đa lợi thế phục vụ phát triển…
Đặc biệt hơn, định hướng tổ chức phát triển vùng kinh tế, KKT thời gian qua đã bước đầu hình thành những nét chấm phá đặc trưng của từng vùng. Nếu như vùng biển và ven biển “bám” quy hoạch cần ưu tiên dịch vụ du lịch thì thời gian gần đây đã thể hiện khá rõ với Trung tâm Giải trí đua chó Xuân Thành (Nghi Xuân) hay Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (Lộc Hà)...
Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót khai thác được lợi thế của vùng biển Lộc Hà.
Vùng kinh tế miền núi, trung du hiện đang nổi lên với việc khai thác các tiềm năng riêng có về kinh tế nông - lâm nghiệp, ưu tiên phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi và gần đây, việc thu hút đầu tư Nhà máy Sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF và gỗ ván thanh (Vũ Quang) là một “nước cờ chiến lược” để phát huy hiệu quả của vùng kinh tế này. Trong khi đó, vùng kinh tế trung tâm được tập trung ưu tiên phát triển đa ngành để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế của tỉnh như thương mại, các loại hình dịch vụ giải trí, tài chính - ngân hàng...
Hơn nửa chặng đường thực hiện mục tiêu 2020 tại các quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch KT-XH của tỉnh nhưng tại cuộc họp cuối năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ liên quan đến định hướng phát triển các cụm ngành, nhất là các cụm ngành công nghiệp dịch vụ phụ trợ vẫn còn khó khăn.
Các nguyên nhân khách quan và chủ quan được phân tích từ lựa chọn kịch bản tăng trưởng đến tổ chức thực hiện trong điều kiện cơ chế thị trường; tổ chức lập quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm còn mang tính cục bộ… Đồng thời, trong bối cảnh KT-XH nhiều biến động, đặc biệt có đến 14 ngành và lĩnh vực được phát triển theo thứ tự bắt đầu bằng công nghiệp gang thép chưa phù hợp với tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới nên trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch KT-XH Hà Tĩnh.
Trao đổi về việc điều chỉnh quy hoạch KT-XH của tỉnh trong thời gian tới, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh cho biết: “Quan điểm cốt lõi là phát triển bền vững, đảm bảo quản lý môi trường tốt, tập trung phát triển kinh tế hướng biển, trong đó, khai thác triệt để các thế mạnh riêng có, bản sắc riêng của địa phương… Hiện nay, tỉnh ta đang áp dụng nghiêm túc Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013 để lựa chọn nhà thầu tư vấn rà soát, cập nhật quy hoạch KT-XH tỉnh với điều kiện phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng của báo cáo quy hoạch, đồng thời, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện. Với “bản lề” sẵn có kết hợp cùng tiềm năng sắp được khai thác phù hợp với tình hình mới, tin rằng, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục “nổi bật lên”…