Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh có 100 giường bệnh kế hoạch nhưng thực kê mỗi ngày lên đến 350 giường, bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên. Lượng chất thải y tế rắn của đơn vị rất lớn. Được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, đầu năm 2015, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế với số vốn lên đến 13 tỷ đồng, riêng lò đốt chất thải rắn có số vốn 5,4 tỷ đồng, bằng công nghệ Pháp.
Những lò đốt được đầu tư tiền tỷ nhưng không thể sử dụng do kinh phí vận hành quá lớn.
Tuy nhiên, dù mới đưa vào sử dụng, hệ thống lò đốt này đã bộc lộ những điểm yếu, như: xảy ra sự cố về kỹ thuật, ống khói chỉ có 8m (khi lắp đặt, nay đã được nối lên đến 20m) khi đốt, khói bay vào các khu dân cư gần bệnh viện, gặp phải sự phản ứng của người dân xung quanh.
Theo bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK thành phố, nguồn kinh phí để vận hành lò đốt rất cao, trung bình mỗi kg rác thải tiêu tốn khoảng 1 lít dầu, cùng với đó là chi phí thuê nhân công phân loại rác, hóa chất xử lý, tiền điện, nước… Vì vậy, đã 5 tháng nay, hệ thống lò đốt xử lý rác thải của bệnh viện không hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, Ban Giám đốc bệnh viện đã phải hợp đồng với Công ty TNHH Phú Hà (Kỳ Anh) để vận chuyển lượng rác thải khá lớn đi xử lý với chi phí 70 triệu đồng/tháng.
Tại BVĐK huyện Đức Thọ, mặc dù là đơn vị y tế tuyến huyện nhưng có số lượng lớn bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên. Từ năm 2010, bệnh viện được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng, hệ thống này đã xuống cấp và không thể đáp ứng nhu cầu hiện nay. Nếu duy trì lò đốt thì mất một khoản tiền rất lớn từ việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, thay các thiết bị, đổ dầu để hoạt động. Giải pháp trước mắt của bệnh viện là thuê đơn vị ngoài vận chuyển rác thải đi chỗ khác để xử lý, tuy nhiên, nguồn kinh phí cũng rất lớn. Bệnh viện huyện Đức Thọ gặp rất nhiều khó khăn và đang đề xuất các cấp, ngành quan tâm.
Hệ thống lọc nước thải của Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ xuống cấp trầm trọng, cần được thay thế.
Năm 2012, BVĐK tỉnh lắp đặt hệ thống xử lý rác thải lên đến hàng chục tỷ đồng, tính riêng lò đốt là 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng nhưng hệ thống lò đốt luôn trục trặc kỹ thuật, đến tháng 3/2016, bệnh viện đã dừng việc đốt rác tại lò đốt này.
Bác sỹ Trần Thị Dung - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Hiện nay, bệnh viện có công suất 500 giường bệnh, lượng rác thải y tế mỗi ngày tại đây rất lớn. Bệnh viện phải thuê đơn vị ngoài vận chuyển và xử lý toàn bộ số rác thải y tế với chi phí mỗi tháng lên đến gần 100 triệu đồng. Chúng tôi đang phải tiết kiệm tất cả các khoản chi tiêu và tăng cường phân loại rác để giảm chi phí cho việc xử lý”.
Tại nhiều đơn vị y tế khác, công tác xử lý chất thải vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các trạm y tế và cơ sở y tế tư nhân. Do hầu hết các trạm y tế và cơ sở y tế tư nhân chưa có hệ thống xử lý chất thải nên lượng chất thải rắn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp đốt thủ công; lượng chất thải lỏng cũng chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn quy định. Các đơn vị y tế tuyến huyện hiện nay đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng do được xây dựng từ lâu nên phần lớn đã xuống cấp hoặc không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Lò đốt không thể vận hành, các bệnh viện đành phải bỏ ra số tiền lớn thuê các đơn vị ngoài vận chuyển và xử lý rác thải.
Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay, lượng chất thải y tế rắn tại các đơn vị trên toàn tỉnh khoảng 800 kg/ngày, lượng chất thải lỏng khoảng 1.800 m3/ngày đêm. Với lượng chất thải lớn, nếu không được xử lý kịp thời, chất thải y tế, đặc biệt là các chất thải nguy hại sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Trước thực trạng trên, rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư để có hệ thống xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn.