Các lực lượng Yemen làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống phiến quân Houthi tại tỉnh Taiz, Yemen ngày 28/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Ngày 20/8, các tay súng được cho là phiến quân Houthi đã cướp xé các ảnh chân dung của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh và Ahmed, con trai đồng thời là người thừa kế một thời của ông Saleh, tại một địa điểm ở thủ đô Sanaa, nơi đảng Hội nghị Nhân dân của ông Saleh dự kiến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày thành lập vào ngày 24/8.
Bên cạnh đó, trong ngày 20/8 các binh sỹ có vũ trang xuất hiện với số lượng đông đảo bất thường tại thủ đô Sanaa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh.
Ông Saleh cho rằng phiến quân Houthi đã gạt ông và các lực lượng trung thành với ông ra khỏi các quyết định chính trị và quân sự, cũng như các vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen.
Trong khi đó, người đứng đầu phái Houthi, ông Abdul-Malik Al-Houthi chiều 19/8 đã đưa ra các cáo buộc đối với ông Saleh, nói rằng lực lượng Houthi đã bị "đâm sau lưng" trong khi họ đang chiến đấu chống lại liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu.
Cựu Tổng thống Saleh đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cho rằng Ủy ban Cách mạng thuộc Houthi thâu tóm ảnh hưởng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, thay vì chính phủ bảo vệ quốc gia mà 2 bên nhất trí thành lập ra.
Rạn nứt giữa lực lượng Houthi và ông Saleh đang làm phức tạp thêm cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen.
Nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2014 khi phiến quân Houthi cùng các lực lượng đồng minh trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh tràn xuống từ phía Bắc và chiếm giữ thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm đánh bật phiến quân và khôi phục chính quyền của Tổng thống Mansur Hadi được quốc tế công nhận.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và khoảng 3 triệu người phải đi sơ tán để lánh nạn, đẩy nước này tới bờ vực của một nạn đói nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch tả bùng phát ở Yemen cũng đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người và ước tính nửa triệu người bị mắc căn bệnh nguy hiểm này./.