Ngoài công việc bảo vệ, dẫn giải, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh còn động viên, giải tỏa tâm lý, khuyên nhủ các bị cáo nữ bình tĩnh trước khi bước vào phiên xử.
Quá trưa, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh - cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh thấm mệt trở về nhà sau một buổi xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh. 13 năm công tác tại trại tạm giam, chị không thể đếm hết những phiên tòa mà mình cùng đồng đội tham gia bảo vệ. Đặc biệt, chị từng trực tiếp áp giải nhiều bị cáo nữ phải nhận mức án tử vì phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn.
Đại úy Hạnh tham gia phiên toà xét xử Phạm Thị Oanh (SN 1980, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Làm việc trong môi trường mang tính đặc thù không khỏi áp lực, với cán bộ nữ lại càng vất vả bởi không kiên nhẫn, bản lĩnh sẽ rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài công việc bảo vệ, dẫn giải, chúng tôi còn động viên, giải tỏa tâm lý, khuyên nhủ các bị cáo nữ bình tĩnh trước khi bước vào phiên xử. Một số trường hợp, bị cáo dù đã lường trước được mức hình phạt, song, không khỏi suy sụp tinh thần, vì vậy, chúng tôi phải kịp thời động viên, trấn an” - Đại úy Hạnh chia sẻ.
Quá trình công tác, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã chứng kiến rất nhiều bị cáo liều lĩnh, ngang ngược thực hiện hành vi phạm tội và phải trả giá bằng mức hình phạt nặng. Thế nhưng, cuối phiên xử, các bị cáo vẫn nhẹ nhàng gửi lời cảm ơn đến chị và đồng đội - những người bảo vệ sự an toàn cho họ.
Các vụ án phức tạp, có số lượng người tham dự đông cần huy động nhiều cán bộ, chiến sỹ tham gia.
Phiên tòa xét xử Hoàng Thị Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 8 bị cáo khác về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” mới đây rất được dư luận quan tâm bởi số lượng bị hại nhiều và tổng số tiền bị chiếm đoạt rất lớn (gần 125 tỷ đồng).
Trong 2 ngày diễn ra phiên xử (25 và 26/9), 10 chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Chiến sỹ Nguyễn Đình Vũ trong lần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại phiên toà.
Với chiến sỹ Nguyễn Đình Vũ (Phòng Cảnh sát cơ động), việc bảo đảm an toàn cho mỗi phiên tòa là nhiệm vụ, trọng trách lớn lao. Kế hoạch thực hiện được xây dựng bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ, kỹ lưỡng của tất cả đồng đội.
Đối với phiên tòa có tính chất phức tạp, số lượng bị cáo đông, lực lượng làm nhiệm vụ cũng đã dự báo các tình huống, phương án giải quyết như: có hành vi gây mất trật tự, có ý định bỏ trốn hoặc chống lại lực lượng chức năng; người tham dự phiên tòa có lời nói hoặc hành động ảnh hưởng tới quá trình xét xử; một số phần tử quá khích, gây rối...
“Chỉ đến khi phiên xử kết thúc, các bị cáo được dẫn giải về trại tạm giam, nhà tạm giữ đảm bảo an toàn, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ” - chiến sỹ Vũ cho hay.
Bảo đảm ANTT cho phiên tòa, bảo vệ an toàn cho người tham gia tố tụng là những đóng góp lặng thầm và vô cùng quan trọng của lực lượng Công an Hà Tĩnh.
Theo Thiếu tá Nguyễn Lộc Bình - Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Cẩm Xuyên), mỗi khi có lịch xét xử từ phía tòa, đội lên kế hoạch bảo vệ vòng trong, vòng ngoài rất cụ thể. “Nhiệm vụ của chúng tôi ngoài những việc được phân công, còn nhắc nhở người đến dự phiên tòa ngồi đúng vị trí, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của người tham gia tố tụng, chấn chỉnh các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, không để xảy ra mất ANTT... Mặc dù xây dựng kế hoạch rất chi tiết nhưng vẫn có những tình huống phát sinh. Nếu xử lý không linh hoạt, có thể ảnh hưởng đến phiên tòa” - Thiếu tá Bình cho biết.
Đại úy Hạnh, chiến sỹ Vũ hay Thiếu tá Bình là “mảnh ghép” trong câu chuyện của những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa theo quy định của pháp luật. Sự có mặt cùng tinh thần làm việc trách nhiệm, hết mình của lực lượng công an chính là “rào chắn” vững chắc, bảo vệ an toàn cho người tham gia tố tụng, đóng góp vào thành công của mỗi phiên xét xử tại Hà Tĩnh.