Giá rau xanh ổn định
Hà Tĩnh đang trải qua những ngày nắng nóng nên các mặt hàng thực phẩm có tác dụng giải nhiệt, thanh mát như rau xanh, hoa quả... tiêu thụ mạnh. Các tiểu thương cho biết, sức mua rau xanh hiện nay tăng khoảng 20 – 30% so với các thời điểm trước.
Người dân mua rau tại chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh).
Dù sức tiêu thụ cao nhưng theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Tĩnh, giá rau xanh hiện nay giữ ổn định, không cao hơn mức bình thường, thậm chí một số loại rau quả còn có giá rẻ hơn thời điểm trước.
Cụ thể, giá một số loại rau củ quả “đắt hàng” như: dưa chuột, bí xanh, bầu, cà xanh 15 - 17.000 đồng/kg; mướp hương 8 – 10.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg; mướp đắng 20.000 đồng/kg; hành lá 30.000 đồng/kg; xà lách 40.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền 7 - 10.000 đồng/bó; rau muống 5.000 đồng/bó; rau cải ngọt 15.000 đồng/kg; rau tập tàng (trộn lẫn nhiều loại rau lá để nấu canh) 20.000 đồng/kg…
Mua rau tại chợ TP Hà Tĩnh, chị Bùi Thị Thơm (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mùa hè, tôi thường tăng lượng rau xanh trong khẩu phần ăn của gia đình. Thời điểm này dù nắng gắt nhưng giá cả rau, củ các loại thực phẩm vẫn khá “dễ chịu” với người tiêu dùng”.
Dù thời tiết nắng nóng nhưng giá các loại rau củ quả vẫn giữ mức ổn định, nguồn cung dồi dào.
Theo các tiểu thương, những năm trước, vào mùa thời tiết khắc nghiệt, giá rau xanh thường tăng mạnh do khó khăn trong sản xuất, rau phát triển chậm. Năm nay, giá mặt hàng này không tăng nhờ nguồn cung dồi dào.
“Thời điểm này, mỗi ngày tôi bán ra gần 2 triệu đồng tiền rau củ, tăng khoảng 20% so với lúc chưa nắng gắt. Nguồn rau nhập về chủ yếu là từ các tỉnh, thành phố khác, ngoài ra còn có một số loại như mướp hương, mồng tơi, rau muống, rau khoai lang, rau dền của các vùng trồng trong tỉnh. Hiện nay, nhiều người trồng đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại, trồng rau trong nhà màng nên giảm thiểu được tác động của thời tiết. Do vậy, nguồn rau cung cấp cho thị trường vẫn dồi dào nên mức giá không bị tăng cao”, bà Lê Thị Xuân – tiểu thương bán rau tại chợ TP Hà Tĩnh cho hay.
Các vùng trồng ở Hà Tĩnh thời điểm này chủ yếu phát triển rau trong vườn hộ để dễ chăm sóc.
Ở các vùng trồng rau của Hà Tĩnh, hiện nay do trời nắng nóng nên người dân chủ yếu trồng trong vườn hộ để thuận tiện cho tưới tiêu.
Ông Nguyễn Viết Sơn – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Hà (xã Tượng Sơn, Thạch Hà) cho biết: “Mùa nắng nóng, dù việc sản xuất rau khó khăn hơn nhưng các hộ dân vẫn chịu khó chăm bón, tưới nước thường xuyên để cung cấp rau xanh ra thị trường và tăng nguồn thu nhập. Hiện nay, toàn HTX đang có hơn 3 ha rau, chủ yếu là cà, mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, rau dền, mồng tơi. Tuy nhiên, giá rau quả trên thị trường đang khá thấp, nhất là trong vài tuần trở lại đây nên lời lãi của bà con không được bao nhiêu”.
Hải sản đắt hàng
Cùng với rau xanh, hải sản cũng là thực phẩm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong những ngày hè nắng nóng. Do đó, sức tiêu thụ mặt hàng này cũng cao hơn nhiều thời điểm khác.
Hải sản được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong những ngày hè nắng nóng.
Chị Hoàng Thị Phượng (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Những ngày nắng nóng, rau xanh, thủy hải sản là thực phẩm được các gia đình sử dụng nhiều. Mỗi tuần, gia đình tôi chỉ ăn các loại thịt trong khoảng 2 ngày, còn lại chủ yếu là hải sản như cá, tôm, cua đồng, sò, hến…”.
Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho thấy, nhu cầu mua hải sản tăng cao với những đợt trước. Sức mua tăng cao, song nguồn hàng đảm bảo nên giá không biến động.
Theo ghi nhận, giá các loại ngao, sò từ 20 – 40.000 đồng/kg; hàu tách vỏ 100 - 120.000 đồng/kg; cá bạc má 100.000 đồng/kg; cá nục 60.000 đồng/kg; cá chim 180.000 đồng/kg; cá bớp cắt lát 250.000 đồng/kg; cá trích 50.000 đồng/kg; tôm 170 – 300.000 đồng/kg; ghẹ 80 - 200.000 đồng/kg; mực tươi 350.000 đồng/kg…
Sức mua tăng cao, giá cả các loại hải sản không biến động.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các tiểu thương cũng tăng sản lượng nhập hàng và đa dạng nguồn hàng hơn.
Chị Nguyễn Thị Hoàn – tiểu thương tại chợ Vườm Ươm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi chủ yếu bán các loại cá tươi thu mua từ các vùng biển của Hà Tĩnh. Trời nóng nên người mua lựa chọn hải sản nhiều hơn thịt vì dễ ăn nên chúng tôi bán đắt hàng hơn. Khoảng 1 tháng nay, tôi nhập hàng tăng khoảng 30% so với trước đó. Giá cả tùy theo từng phiên chợ và mức độ tươi ngon của hải sản nhưng cơ bản không tăng, người dân cũng dễ mua vì hải sản có nhiều loại và nhiều mức giá”.