Dragon Runner, loại robot được sử dụng để rà phá bom mìn
Các robot loại này có khả năng hoạt động chính xác hơn trong các cuộc tấn công, làm giảm thiểu khả năng gây thương vong cho dân thường, cũng như bớt nguy cơ "khai hỏa thân thiện".
Vũ khí AI không phải được phát triển để trở thành vũ khí hủy diệt "hàng loạt" mà chúng được tạo ra với vai trò vũ khí "chính xác". AI quân sự giúp quân đội thực hiện những đòn tấn công chính xác hơn, bên cạnh đó cũng giúp tuân thủ các đạo luật nhân đạo quốc tế ở mức độ cao hơn.
Dưới đây là 3 cách mà "robot quân đội" có khả năng được sử dụng tại các vùng chiến sự.
Xử lý bom
Robot xử lý bom giúp giảm thiểu các nguy cơ tới tính mạng con người. Hầu hết các loại robot này đều được điều khiển từ xa. Do vẫn nằm trong sự kiểm soát của con người, nên chúng hầu như không hoạt động độc lập, thường có nhiệm vụ tìm kiếm, tháo ngòi và vô hiệu hóa các thiết bị nổ.
Có một thực tế là robot ngày càng trở nên "khéo léo" và nhanh nhẹn hơn nên trong tương lai gần hầu như quân đội sẽ không cần đến nhân sự phải làm công việc luôn phải kề cận cái chết này.
Con robot trong phim The Hurt Locker (Chiến dịch Sói sa mạc) – một bộ phim kể về đơn vị chuyên tháo dỡ bom mìn ở Baghdad (Iraq) – được mô tả là một cỗ máy vô dụng. Nhưng những con robot trong tương lai sẽ có khả năng làm mọi thứ mà các diễn viên đã thể hiện trong bộ phim đó một cách nhanh chóng, chính xác hơn.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho binh sĩ, chắc hẳn sẽ không ai phản đối robot làm nhiệm vụ xử lý bom mìn.
Rà soát "ổ địch"
Rà soát căn cứ của địch là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất của lực lượng bộ binh. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các loại bẫy mìn lợi dụng cảm biến áp suất thường được sử dụng và giấu dưới những chai rượu whisky, hay những bao thuốc lá, gây gia tăng nguy hiểm cho đối phương.
Khi các binh sĩ tiến vào sào huyệt địch, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ hít phải khói độc dẫn tới tử vong. Nếu để robot thực hiện công việc này, các binh sĩ sẽ không phải liều mạng vào những khu vực nguy hiểm.
Ngày nay, các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng thường sử dụng các loại bẫy mìn được giấu dưới các lớp gạch, đá. Điều này đặc biệt bị cấm theo đạo luật nhân đạo quốc tế.
Các loại robot hiện tại dùng để kiểm tra hành lý ở sân bay được trang bị hệ thống cảm biến nhỏ có thể phát hiện các vật thể lạ. Do đó, trên lý thuyết, các loại "robot quân đội" có thể cảm nhận được cảm biến áp suất và dây nối được lắp đặt trong những loại bẫy mìn nêu trên. Chúng có thể xâm nhập các tòa nhà, leo cầu thang, vượt qua các loại chướng ngại để tiến hành rà soát.
Những phiên bản robot rà soát trong tương lai còn có thể được trang bị vũ khí, hệ thống cảm biến tân tiến hơn, hoạt động độc lập và bí mật hơn.
Duy trì các vùng an toàn tại chiến sự
Tờ Conversation cho hay, trong tương lai gần, robot có thể được dùng để duy trì các khu vực an toàn được thiết lập ở khu chiến sự nhằm bảo vệ những người tị nạn không vũ trang, đặc biệt trong những cuộc chiến như ở Syria.
Robot an ninh quân sự có thể ngăn chặn tội phạm chiến tranh giết chết dân thường vô tội. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất vũ khí đã áp dụng thành công công nghệ phòng thủ trên các hệ thống tên lửa đất đối không có khả năng tấn công các loại tên lửa, máy bay... Do đó, công nghệ phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu nhiều khả năng sẽ được áp dụng với robot.
Trên thực tế, hiện tại, nhiều loại robot canh gác như Hanhwa Techwin SGR-A1 và Dodamm SuperAegis II đã có khả năng tấn công mục tiêu tự động ở cự ly gần.
Tuy nhiên vẫn có hai luồng quan điểm trái chiều về việc trang bị vũ khí cho robot hoạt động ở chiến trường, một là ủng hộ, hai là phản đối. Nhìn chung, robot như một con dao hai lưỡi. Nếu rơi vào tay tội phạm chiến tranh, chúng sẽ gây ra tội ác và điều này đúng là một thảm họa. Mặt khác, nếu được sử dụng đúng cách, chúng sẽ ngăn chặn được tình trạng trên.