Video: Theo chân nông dân Hà Tĩnh thả trúm bắt lươn đồng
Chiều muộn tháng 3, trên những cánh đồng lúa ở Cẩm Xuyên không khó bắt gặp hình ảnh những người đàn ông chở trên vai hàng trăm chiếc trúm, bắt đầu hành trình “săn” lươn.
Khi việc đồng áng đã “nhàn tay”, những ngày này, người dân Cẩm Xuyên lại tranh thủ thời gian, tất bật đi thả trúm bắt lươn để kiếm thêm thu nhập. Để bắt được lươn, người dân phải chuẩn bị mồi, đây là bước quan trọng để có thể “bẫy” được lươn.
Nắm bắt được đặc tính của lươn thích ăn những loại mồi có mùi tanh, đặc biệt khoái khẩu với loài giun đất. Vì thế người dân đã bắt giun đất bằm nhỏ trộn lẫn với bùn non hoặc ốc bươu, tạo nên thứ mùi đặc trưng tanh nồng, loại mồi này chỉ cần phết nhẹ phía đuôi nắp, sau đó đậy vào miệng trúm rồi đem ra thả ngoài bờ ruộng hoặc mương nước.
Sau khi chuẩn bị xong, ống trúm sẽ được cho vào bao đựng, trung bình mỗi bao đựng được khỏang 60 - 65 ống.
Ông Nguyễn Văn Nam (trú thôn Tiến Hưng, xã Nam Phúc Thăng), người có hơn 10 năm kinh nghiệm thả trúm chia sẻ: "Không phải ruộng nào cũng thả được trúm, phải chọn những chân ruộng có bùn sâu sục, mực nước phải bằng gần một gang tay, đặc biệt với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ cần nhìn qua mặt ruộng nếu phát hiện có nhiều lỗ thì ở đó chắc chắn sẽ có nhiều lươn... Mỗi đêm tôi thả gần 300 ống, thu về 4 - 5kg lươn, cho thu nhập khoảng trên dưới 500.000 đồng".
Cũng theo ông Nam, thông thường, khoảng 16h chiều là người dân đi đặt dưới ruộng lúa. Khi thả trúm cũng phải có kỹ thuật, trúm được đặt giữa các rãnh lúa, đầu trúm có nắp đậy được thả xuống bùn; đuôi trúm nổi trên mặt nước, nhưng tuyệt đối không được để nước ngập vào rãnh thông hơi, nếu nước tràn vào trúm thì khi lươn vào ăn mồi sẽ bị chết do ngạt...
Sau một đêm thả trúm, khoảng 4 giờ sáng hôm sau người dân mới ra đồng lấy trúm.
Sau khi lấy ống trúm từ ngoài ruộng về, lươn sẽ được lấy ra khỏi trúm
Anh Nguyễn Tiến Ân (trú thôn 3, xã Nam Phúc Thăng) chia sẻ: "Mỗi đêm tôi thả gần 200 ống, thu về được 3 - 4kg lươn, mức giá hiện tại là trên dưới 100.000 đồng/kg. Công việc không tốn nhiều thời gian và vốn bỏ ra ít nhưng mang lại nguồn thu nhập khá so với những nghề nặng nhọc, vất vả khác".
Lươn đồng là “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng nên những người làm nghề thả trúm bắt lươn không lo đầu ra hay giá thấp.