Săn ong rừng!

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối đông, khi cái rét ở vùng bìa rừng đã bắt đầu nhạt cũng là lúc những người nuôi ong trên địa bàn Hương Khê có dịp hội tụ trên những con dốc cao của tuyến đường 17 gần biên giới Việt - Lào (đoạn từ xã Hương Xuân đi Hương Lâm) để cùng đến với thú vui săn ong rừng.

Lời giới thiệu của người bạn vùng rừng núi đã khiến bước chân chúng tôi thêm mạnh dạn khi đi theo nhóm thợ săn ong là những cán bộ hưu trí ở xã Hương Xuân. Hành trang trong chuyến đi của mỗi người thợ chỉ đơn giản là một cặp lồng cơm, vài cái chang (tổ) làm từ thân cây tro khoét rỗng, dài khoảng 50 cm, hai đầu bịt kín, ở giữa và cuối chang khoét một vài lỗ nhỏ để ong chui vào. Bên trong chang bỏ một ít mồi phảng phất hương thơm của mật và thêm một chiếc vợt để đưa ong vào tổ.

Sau khi tìm kiếm, theo dõi tín hiệu của đàn ong, nhóm thợ bắt đầu treo chang vào các cột điện.

Sau khi tìm kiếm, theo dõi tín hiệu của đàn ong, nhóm thợ bắt đầu treo chang vào các cột điện.

Mới sáng sớm nhưng cung đường từ Hương Xuân lên Hương Lâm đã nhộn nhịp bởi tiếng xe cộ, tiếng cười nói, chào hỏi của từng nhóm người có cùng thú vui. Ông Bường - người trong nhóm săn ong cho biết: “Mùa săn ong rừng rất ngắn, bắt đầu khoảng giữa tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 12. Đó là lúc thời tiết giao mùa. Lúc này, mùa đông giữa đại ngàn rất lạnh nên đàn ong phải di trú về bìa rừng kiếm những nơi ấm áp mà điểm dừng chân thường là những hàng cột điện ven đường. Đó cũng là điểm đến của chúng tôi”.

Sau một thời gian tìm kiếm, theo dõi tín hiệu của đàn ong, nhóm thợ săn bắt đầu công việc treo chang vào các cột điện ven đường. Thời gian chờ đợi cũng là lúc họ quây quần cùng chia sẻ kinh nghiệm bắt ong, nuôi ong…

Ông Xuân - một thợ săn ở thôn Hương Phong tiết lộ: “Hơn 20 năm nghỉ hưu cũng là từng ấy thời gian tôi gắn bó với việc săn bắt và nuôi ong. Ban đầu chỉ theo bạn bè đi cho vui nhưng rồi nghiện lúc nào không biết. Có lúc rong ruổi cả tháng vẫn không bắt được tổ nào, có ngày cả nhóm bắt được 2 tổ. Thông thường, mỗi tổ ong mật được bán tại chỗ với giá 500.000 đồng, nhưng hầu như không ai bán bởi chúng tôi săn về để nuôi”.

Ông còn cho biết thêm “Với ong ruồi, nếu thời tiết tốt, vòng đời là 45 ngày. Ong chúa sống được 3 năm, mỗi lần đẻ 4.000 trứng, nhưng sau 1 năm sức sinh sản sẽ giảm. Những loài ong ruồi được săn về nuôi khoảng 3 tháng sẽ khai thác được một lần, mỗi tổ ong chăm sóc tốt trung bình cho khoảng 5 lít mật”.

Thời gian giữa vùng rừng núi trôi nhanh khi câu chuyện có thêm sự tham gia của nhóm thợ đến từ thị trấn Hương Khê. Ông Khang - cán bộ hưu trí chia sẻ: “Săn ong với tôi là những phút giây sống chậm cùng những khoảng lặng của núi rừng. Ở đó, tôi có thể quên đi mọi vất vả, lo toan, trải lòng mình với thiên nhiên…”.

Đối với những cán bộ hưu trí, săn ong rừng là phút giây sống chậm cùng những khoảng lặng của núi rừng

Đối với những cán bộ hưu trí, săn ong rừng là phút giây sống chậm cùng những khoảng lặng của núi rừng

Câu chuyện chợt gián đoạn khi một thành viên trong đoàn bắt đầu phát hiện những tín hiệu quen thuộc của những chú ong đầu đàn bay qua bay lại trên chiếc tổ mới. Mọi ánh mắt tập trung quan sát. Ông Xuân thì thào: “Khi những con ong đầu đàn thấy dấu hiệu ấm áp, yên ổn của chiếc tổ mới thì sẽ quay về báo hiệu cho cả đàn”. Đúng như lời ông Xuân, một lúc sau, đàn ong bay tới, vây quanh chiếc chang, chui vào những lỗ nhỏ. Một số con bay lại gần người khiến chúng tôi hoảng hốt.

Ông Xuân trấn an: “Khi ong bay vào người, cứ bình tĩnh, không nên dùng tay đánh, như vậy cả đàn sẽ bay tới đốt. Cứ để tự nhiên cho ong bám vào người, rồi sau tự khắc nó bay đi”. Gần một giờ đồng hồ chờ đợi, đàn ong đã chui hết vào tổ. Ông Xuân cẩn thận lấy lá cây và vải bịt các lỗ của chiếc chang. Một số chú ong đang ở vòng ngoài cũng được các thành viên dùng vợt bắt.

Trên cung đường dài gần 20 km này, mỗi mùa ong làm tổ thu hút hàng trăm thợ săn. Họ gặp nhau bởi thú vui săn ong và nuôi ong. Ông Lạng ở tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê chia sẻ: “Phong trào nuôi ong đã lan rộng khắp các địa bàn, ngay nơi chúng tôi ở cũng có nhiều nhà nuôi. Trong số đó, không ít nhà thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Riêng tôi hiện có 11 tổ, mỗi năm cũng thu khoảng 50-60 chai mật. Dẫu không cho thu nhập lớn nhưng cũng có để làm quà cho con cháu, họ hàng gần xa”.

Bóng chiều dần ngả về tây, màn đêm nhanh chóng bao phủ vùng rừng núi, những người thợ cũng kết thúc công việc sau một ngày bằng những động tác khéo léo, nhẹ nhàng thu lại các tổ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.