Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường: Các địa phương chịu ảnh hưởng cần đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là ngư dân trên biển.
Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Đức.
Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, vào hồi 14h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,3 độ vĩ Bắc; 111,1 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định khoảng 200 km về phía Đông. Sức do mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8 -9. Dự báo trong 6h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km và khả năng cao mạnh lên thành bão.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 1 – 2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to kèm gió giật mạnh.
Riêng tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận áp cao lục địa nên khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa từ 19h ngày 10/9 đến 7h ngày 12/9 tại các trạm đo được như sau: Linh Cảm 55,6 mm; Sơn Kim 25,2 mm; Sơn Diệm 62,1mm; Hương Sơn 93,7 mm... Mực nước các sông thượng nguồn lên chậm, Sông La ảnh hưởng thủy triều, dự báo khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ trên các sông của Hà Tĩnh.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh đã chỉ đạo việc theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền. Tính đến 10h ngày 12/9, tổng số tàu thuyền của Hà Tĩnh là 5.522 chiếc với 14.000 lao động đã liên lạc được và nắm bắt được thông tin; có 6 tàu cá với 68 lao động đã tránh trú tại đảo Cát Bà, Hải Phòng; 70 tàu cá với 340 lao động tránh trú tại đảo Cô Tô - Quảng Ninh; 25 tàu cá với 137 lao động đã về đến vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường về tránh trú tại các khu neo đậu.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng cần đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là ngư dân trên biển. Đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần chú ý an toàn cho các vùng thủy sản, đôn đốc thu hoạch diện tích lúa. Các cơ quan chức năng phải sẵn sàng các phương án ứng cứu kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sau khi nghe chỉ đạo của BCĐ Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển thường xuyên cập nhập thông tin, giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đề phòng mưa lớn gây lũ quét, các huyện miền núi cần có các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn, chủ động sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm ven sông suối.
Ngoài ra, các địa phương cần triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều và các công trình trọng điểm.