Nhà cụ Mai Kính (ở thôn Bùi Xá) được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1990, chứng tích cho cuộc đấu tranh hào hùng của Nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Cách đây tròn 90 năm, phong trào 1930- 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự kiện lịch sử mở đầu cho những thắng lợi về sau của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Thạch Hà là một trong những huyện tiên phong trong cao trào đấu tranh 1930-1931.
Tháng 1/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều (quê Anh Sơn - Nghệ An) được xứ ủy Trung Kỳ ủy nhiệm vào Hà Tĩnh xây dựng cơ sở. Tháng 3/1930, đồng chí triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh lâm thời. Đồng chí đã kết nạp đồng chí Mai Kính, Nguyễn Thiếp (quê Phù Việt) cùng một số đồng chí khác vào Đảng. Ít lâu sau, chi bộ Đảng Cộng sản Phù Việt (chi bộ Đảng đầu tiên ở Thạch Hà) được thành lập. Từ đây, Phù Việt khắc tên mình thành Làng Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (là những làng có chi bộ cộng sản lãnh đạo, có chính quyền do người dân lập nên).
Ông Mai Văn Dũng (cháu nội cụ Mai Kính - bên phải) bày tỏ sự tự hào, tôn kính đối với người ông của mình khi trò chuyện cùng Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Việt Tiến Nguyễn Văn Quế
Dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đời sống của người dân Thạch Hà vô cùng khổ cực. Nhiều gia đình không có ruộng đất, phải đi làm thuê. Ngoài thuế khóa đủ loại, mỗi năm, riêng khoản thuế thân, Thạch Hà phải đóng 38.000 đồng, tương đương khoảng 3.000 tấn thóc.
Làng Đỏ - làng Bùi Xá ngày nay.
Từ tháng 5 - 9/1930, khắp nơi trong toàn huyện Thạch Hà dấy lên phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Riêng ở Phù Việt, quần chúng nhân dân đã tổ chức mít tinh, vạch mặt đế quốc, phong kiến và đòi giảm tô, hoãn nợ, tăng tiền công cho người đi ở, làm thuê.
Cuộc đấu tranh chống địa chủ, cường hào đã giành thắng lợi bước đầu. Từ đó, quần chúng nhân dân càng hăng hái tham gia cách mạng. Phong trào cách mạng ở Phù Việt đã nhanh chóng lan ra các thôn, xã trong vùng.
Cụ Nguyễn Chân Ngộ (cháu cụ Nguyễn Thiếp) giới thiệu về quá trình hình thành nhà thờ họ Nguyễn (dòng tộc cụ Nguyễn Thiếp)
Ghi dấu những ngày hoạt động cách mạng bí mật trong phong trào đấu tranh 1930-1931 ở Phù Việt là nhà cụ Mai Kính (nay thuộc xã Việt Tiến). Từ năm 1927, căn nhà này đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng. Đây là nơi ra đời của tổ chức Tân Việt huyện Thạch Hà (tháng 2/1927).
Sau này, trong phong trào đấu tranh 1930-1931, nhà cụ Mai Kính là nơi làm việc của cán bộ cấp trên đồng thời là nơi tổ chức hội họp, in ấn tài liệu, trung tâm bắt mối liên lạc phát triển tổ chức sang các địa phương khác; là nơi bồi dưỡng lý luận cộng sản cho các hội viên của Tân Việt huyện Thạch Hà.
Đặc biệt, cuối tháng 9/1930, nhà cụ Mai Kính được Tỉnh ủy chọn là địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Năm 1990, nhà cụ Mai Kính được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chăm sóc, chỉnh trang nhà cụ Mai Kính đã trở thành hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên xã Việt Tiến.
Bí thư Đoàn xã Việt Tiến Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ: “Nhà cụ Mai Kính trở thành nơi giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Câu chuyện lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động của cụ đã truyền lửa, tiếp thêm động lực cho mỗi ĐVTN rèn luyện, trưởng thành.
Từng góc nhà đều được người dân chăm chút, giữ gìn. Đều đặn hằng tháng, hơn 300 đoàn viên trong xã thay phiên nhau tới đây quét dọn, chỉnh trang. Đây cũng là nơi chúng tôi tổ chức các cuộc giao lưu, đối thoại, kết nạp đoàn viên mới. Từ những hoạt động đó, bài học cách mạng càng thấm nhuần sâu sắc trong thế hệ trẻ địa phương”.
Từng góc nhà được thế hệ trẻ chăm chút, nâng niu với tất cả lòng kính trọng, biết ơn.
Mang trong mình niềm tự hào về truyền thống quê hương cách mạng, trong thời kỳ mới, các thế hệ Nhân dân Việt Tiến luôn đề cao ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương. Nhiều lớp thanh niên đã chăm lo học hành, cống hiến trên nhiều lĩnh vực.
Trong phong trào nông thôn mới hiện nay, nhiều thanh niên đã phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, khai thác nguồn lực, làm giàu trên chính quê hương.
Thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, dưới sự hỗ trợ của Đoàn xã, nhiều thanh niên đã được vay vốn, trang bị kiến thức xây dựng mô hình kinh tế. Trên địa bàn ngày càng hình thành nhiều cơ sở sản xuất mới, hàng trăm hộ kinh doanh thường xuyên.
Hiện nay, toàn xã có 7 mô hình kinh tế tiêu biểu do thanh niên làm chủ. Nổi bật như: kẹo lạc Tú Uyên của anh Nguyễn Trọng Thắng, nem giò của anh Lê Đăng Tân, miến gạo của anh Nguyễn Hữu Tâm, bánh kẹo của anh Nguyễn Hữu Đức…
Sản phẩm bánh đa vừng của cơ sở sản xuất bánh kẹo Đức Anh đã gây được tiếng vang ở thị trường trong và ngoài tỉnh
Anh Nguyễn Hữu Đức (SN 1990, thôn Trung Trinh) - chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Đức Anh chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, cơ sở chúng tôi bán được 600.000 chiếc bánh ra thị trường. Sau khi khấu trừ các chi phí, nguồn thu từ sản phẩm đưa lại khoảng 250 triệu đồng.
Hiện tại, cơ sở đang tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Dự tính năm 2021, chúng tôi tiếp tục nâng sản lượng tiêu thụ lên 700.000 chiếc bánh và tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất”.
“Những năm tiếp theo, Việt Tiến sẽ tập trung nguồn lực chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, đưa Việt Tiến đạt xã nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển truyền thống Làng Đỏ anh hùng” - Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến Phạm Nam Anh khẳng định.