Ảnh chụp sao Thổ của kính viễn vọng không gian Hubble tháng 6/2018. Ảnh: NASA/ESA/A. Simon (GSFC)/Nhóm OPAL/J. DePasquale (STScI)
Trước phát hiện mới, sao Thổ có 83 mặt trăng được Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) công nhận. Hiện tại, con số này tăng lên thành 145, Space hôm 12/5 đưa tin. Điều này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng với sao Thổ, đưa hành tinh này trở thành thiên thể đầu tiên được biết đến trong vũ trụ có hơn 100 mặt trăng quay quanh.
Edward Ashton, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn Academia Sinica, cùng các cộng sự đã phát hiện những mặt trăng mới dù khá nhỏ và mờ nhờ kỹ thuật “dịch chuyển và xếp chồng”. Kỹ thuật này sử dụng một tập hợp hình ảnh chuyển động với cùng tốc độ mà mặt trăng di chuyển trên bầu trời, giúp tăng cường tín hiệu từ mặt trăng. Nhờ vậy, những mặt trăng không thể nhìn thấy trong ảnh lẻ do quá mờ có thể lộ ra trong “hình ảnh xếp chồng”.
Các nhà thiên văn đã sử dụng phương pháp này để tìm kiếm mặt trăng xung quanh những hành tinh băng khổng lồ là sao Hải Vương và sao Thiên Vương, nhưng đây là lần đầu tiên nó được áp dụng cho hành tinh lớn thứ hai của hệ Mặt Trời, sao Thổ.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia sử dụng dữ liệu do Kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii (CFHT) trên đỉnh Maunakea, Hawaii, thu thập từ năm 2019 đến 2021. Dữ liệu giúp họ phát hiện các mặt trăng quanh sao Thổ có đường kính nhỏ tới 2,5 km.
Dù các nhà thiên văn đã quan sát được một số mặt trăng đầu năm 2019, họ cần thêm thông tin để xác nhận chúng là mặt trăng chứ không phải tiểu hành tinh đang tiến gần đến sao Thổ. Do đó, họ theo dõi chúng trong vài năm để đảm bảo chúng thực sự quay xung quanh hành tinh khí khổng lồ này.
Các mặt trăng mới phát hiện được phân loại là “mặt trăng dị thường”. Thuật ngữ này chỉ những vật thể chịu ảnh hưởng lực hấp dẫn của một hành tinh và quay quanh hành tinh đó theo quỹ đạo lớn, phẳng hoặc hình elip nghiêng hơn so với quỹ đạo của các mặt trăng thông thường. Sao Thổ hiện có 121 mặt trăng dị thường và 24 mặt trăng thông thường.
Hồi tháng 2, sao Mộc vượt qua sao Thổ để giành danh hiệu “vua mặt trăng” khi có thêm 12 mặt trăng mới được xác nhận, nâng tổng số lên 92. Sao Thổ giờ lấy lại vương miện với 145 mặt trăng. Tuy nhiên, danh hiệu này có thể tiếp tục đổi chủ khi công nghệ phát hiện mặt trăng của các nhà thiên văn ngày càng tiên tiến.