Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Việc thẩm định sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tờ trình của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước hiện có tổng cộng 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Đến giữa tháng 3/2022, tổng số tiền được gia hạn theo Nghị định 32/2022 của Chính phủ là trên 9.600 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp vào ngân sách nhà nước 8.870 tỷ đồng; số thuế tiêu thụ đặc biệt còn phải nộp vào ngân sách là 731 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, cả nước hiện có tổng cộng 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (Ảnh: Nguyễn Tuyền).
Theo Bộ Tài chính, trải qua quãng thời gian dịch bệnh bùng phát với nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ mà ngành công nghiệp ô tô đã phục hồi tăng trưởng và doanh số năm 2022 vượt năm 2019.
Số liệu kê khai của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho thấy, số lượng và số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm dần. Tháng 10/2022 sản lượng kê khai là 25.571 xe với số thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng 3.884 tỷ đồng, đến tháng 11/2022 sản lượng kê khai là 23.658 xe với số thuế tương ứng 3.412 tỷ đồng - giảm 472 tỷ đồng so với tháng trước.
Tháng 1/2023 số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh là 1.442 tỷ đồng, giảm 1.776 tỷ đồng so với tháng trước, với sản lượng kê khai tương ứng 9.766 xe.
Bộ này dự đoán thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể gặp phải những khó khăn, thách thức như UBND tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình và Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (VAMA) đề cập như lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp phát sinh trong quý IV/2022 và những dự đoán về tình hình khó khăn đối với thị trường tài chính, tín dụng trong năm 2023.
Việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển kinh doanh là cần thiết. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn các doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước.
Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9/2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2023.
Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn.
Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai và xử lý vướng mắc phát sinh. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Sau khi được Chính phủ ban hành, nghị định này dự kiến sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Sau thời gian gia hạn, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thực hiện theo quy định hiện hành.
12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam Bộ Tài chính cho biết, cả nước hiện có 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, gồm: Công ty TNHH Ford Việt Nam; Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast; Công ty TNHH ô tô Mitsubishi Việt Nam; Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam; Công ty TNHH MTV sản xuất ô tô Thaco-Mazda; Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch cao cấp Thaco; Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô tô cao cấp Thaco; Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải- KIA; Công ty TNHH MTV sản xuất và lắp ráp xe tải Thaco; Công ty TNHH MTV sản xuất xe bus THACO; Công ty ô tô Toyota Việt Nam; Công ty Honda Việt Nam. |