Được bày bán trong các shop, nhưng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng, giá cả. (Ảnh minh hoạ)
Xuất hiện quần áo trôi nổi
Bước vào shop J. trên đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh), chúng tôi được cô nhân viên trẻ đẹp giới thiệu khá nhiều mẫu quần áo mà không quên kèm theo thông điệp “rẻ - đẹp - hợp thời trang”. Cũng đúng, quần áo được bày bán ở đây chủ yếu là đồ rẻ tiền và cũng chẳng có nguồn gốc, xuất xứ. Cầm trên tay chiếc áo sơ mi sát nách khá ưng ý nhưng không có nhãn mác, chúng tôi băn khoăn: “Chiếc áo này do Việt Nam sản xuất hả em?”. Cô gái ậm ừ: “Là nhân viên nên em cũng không biết rõ về nguồn hàng, chị ạ!”.
Tiếp tục “mục sở thị” shop thời trang nữ trên đường Xuân Diệu, được bà chủ giới thiệu với những lời có cánh: “Mua ở cửa hàng chị, các em cứ yên tâm về chất lượng. Hàng vừa đẹp, lại độc nữa!”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ các sản phẩm thì cũng chẳng khác mấy so với hàng chợ bởi không có bất cứ thông tin gì về nhà sản xuất và nhiều mặt hàng như áo, quần… giá cũng chỉ 100.000 đồng/chiếc.
Theo tìm hiểu, đây cũng chính là thực trạng chung của nhiều shop quần áo hiện nay trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ngoại trừ các thương hiệu nổi tiếng thì chất lượng hàng hóa ở các shop còn là dấu hỏi lớn bởi sản phẩm trôi nổi xuất hiện ngày càng nhiều. Thế nhưng, dưới vỏ bọc hào nhoáng cùng những lời tiếp thị có cánh của các chủ shop, chúng vẫn dễ dàng được tiêu thụ. D. - một người bạn từng là nhân viên shop quần áo ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) rỉ tai tôi: “Mang tiếng là shop sang trọng, song thực chất hàng hóa thì cũng từ chợ mà ra. Không ít sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo… nhưng lại rất đắt khách”.
Không niêm yết giá
Chiếc váy liền ôm dáng, màu đỏ đô khá quyến rũ được một chủ cửa hàng trên đường Xuân Diệu “hô” giá 650.000 đồng, sau một hồi “ngả giá”, khách hàng đã sở hữu chỉ với 400.000 đồng. Hay một chiếc áo crop - top (nữ) nền hoa nhã nhặn được chào mời với giá 350.000 đồng nhưng là “khách ruột nên chị để cho em 200.000 đồng thôi”… Đó là 2 cuộc giao dịch chóng vánh giữa bạn tôi và chủ shop quần áo mà tôi được chứng kiến. Thế mới có chuyện, cùng một chiếc áo nhưng người này mua ở chợ chỉ 200.000 đồng trong khi người khác phải trả 350.000 đồng ở một shop quen thuộc.
Được biết, tình trạng hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, giá cả bát nháo còn diễn ra ở các cửa hàng thời trang nam. Tuy nhiên, do tâm lý ngại trả giá nên các đấng mày râu dễ bị “hớ” hơn khi mua đồ. Tại các shop giày dép, túi xách… cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính sự tin tưởng của người tiêu dùng cùng với suy nghĩ “đắt là xịn” nên các shop cứ vô tư đẩy giá lên cao và được “hô biến” liên hồi. Chị Lê Thị Thơm (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) ái ngại: “Bây giờ, mua đồ ở shop quen hay lạ thì đều phải trả giá, nhưng có khi cũng bị hớ rất nhiều”.
Việc niêm yết giá đã được Luật Giá quy định và cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc quản lý. Theo đó, giá cả hàng hóa phải được niêm yết rõ ràng, công khai, minh bạch. Thế nhưng, hiện nay, các shop - vốn được xem là địa chỉ mua sắm chất lượng vẫn chưa tuân thủ quy định này. Thực tế cho thấy, tuy hàng hóa phong phú về chất liệu, đa dạng về mẫu mã, song việc giao dịch mua bán vẫn được thực hiện chủ yếu bằng miệng và theo kiểu “mặc cả”. Từ đây, đã xuất hiện “văn hóa trả giá” của cả người bán lẫn người mua. Điều này chưa thể hiện sự minh bạch, chuyên nghiệp trong kinh doanh - những tiêu chí cần có cho một nền văn minh thương mại. Vô hình trung, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi khi những cuộc thương lượng về giá bất thành và đồng tiền bỏ ra chưa xứng với chất lượng sản phẩm.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt cùng những giải pháp mạnh của các cơ quan chức năng. Theo đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng và hoạt động mua bán, tránh tình trạng phớt lờ như hiện nay. Hơn ai hết, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng tìm hiểu và chỉ chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.