Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hoá tại các cửa hàng trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Những ngày cận tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Cục QLTT trên toàn tỉnh thường xuyên phải bám sát địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Đội QLTT số 1 (đóng tại TP Hà Tĩnh) quản lý trên 16.000 hộ kinh doanh, doanh nghiệp và 2 siêu thị cùng 40 chợ lớn nhỏ tại địa bàn TP Hà Tĩnh và 2 huyện: Lộc Hà, Thạch Hà.
“Địa bàn Đội QLTT số 1 quản lý có số lượng hộ buôn bán, kinh doanh cũng như đối tượng khách hàng mua bán lớn nhất tỉnh. Đặc biệt, tại địa bàn thành phố là trung tâm bán buôn lớn, có nhiều đại lý, siêu thị lớn nhỏ… nên công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm càng đòi hỏi tập trung cao độ. Từ thời điểm triển khai thực hiện kế hoạch ra quân cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán (từ 25/11/2021 đến nay), Đội QLTT số 1 đã thực hiện kiểm tra, xử lý 47 vụ vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 147 triệu đồng, trị giá hàng tiêu huỷ 16 triệu đồng” - ông Trương Quang Thắng, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết.
Tại Đội QLTT số 2 (đóng tại TX Hồng Lĩnh), với 4 cán bộ nhưng đội phải quản lý 3 địa bàn (TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc) với trên 7.000 hộ kinh doanh, doanh nghiệp và 40 chợ lớn nhỏ.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra hàng hoá tại các cửa hàng trên địa bàn TX Hồng Lĩnh
“Do địa bàn rộng, lực lượng “mỏng”, vào thời điểm gần tết, khi lượng hàng hoá từ nhiều nơi đổ về tăng cao thì công tác kiểm tra của đội cũng phải tăng cường hơn. Cán bộ phải làm ngoài giờ và cả ngày nghỉ. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, chúng tôi thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định về kinh doanh hàng hóa, phối hợp các lực lượng chức năng trong việc phát giác người buôn bán, nhập các loại hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái vào thị trường” - ông Nguyễn Quốc Đông, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết.
Hà Tĩnh hiện có gần 60.000 hộ kinh doanh, 173 chợ, 5 siêu thị, 2 trung tâm thương mại. Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã dự trữ các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh như: bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm...
Các cơ sở lớn như: siêu thị Co.opmart và Vinmart tại TP Hà Tĩnh đã thực hiện dự trữ hàng hóa, trưng bày các gian hàng tết nhằm thu hút khách hàng mua sắm.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên dự báo sức mua sẽ giảm hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn chủ động nhập hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, cửa hàng chỉ nhập các loại hàng của các nhà sản xuất lớn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” - anh Mai Thắng, chủ cửa hàng Hiền Thắng ở TP Hà Tĩnh cho hay.
Ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng QLTT Hà Tĩnh cho biết, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn, Cục QLTT Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, Cục đã mở đợt ra quân đợt cao điểm kiểm tra, quản lý thị trường trên các địa bàn. Gắn với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên cập nhật, rà soát, giám sát để nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, đối tượng, phương thức, biểu hiện vi phạm. Theo đó, các lực lượng tiến hành tổ chức kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Trong đợt cao điểm từ 25/11/2021 đến ngày 19/1/2022, Cục QLTT Hà Tĩnh đã xử lý 175 vụ vi phạm; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa vi phạm hơn 393 triệu đồng.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh bám sát địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa, để đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực của lực lượng quản lý thị trường cần có sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Có như vậy mới ngăn chặn được các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần bình ổn thị trường dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tạo điều kiện cho Nhân dân vui tết, đón xuân một cách an toàn.