Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vốn tồn tại và được lưu truyền dưới hình thức diễn xướng. Ví, giặm, từ xa xưa đến nay được diễn xướng theo ba hình thức hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Trong ảnh: Không gian diễn xướng làng quê được tái hiện sinh động trong tiết mục "Nói lời phải giữ lấy lời" của CLB dân ca ví, giặm Thạch Tân (Thạch Hà)
Hát lẻ là hình thức đơn giản nhất nhưng cũng có tác dụng lưu giữ khá mạnh mẽ những bài hát cổ. Những con người nông dân chất phác, trong lúc lao động đã mượn lời ca để giải toả những mệt nhọc. Có thể đó là lúc đang giữa mùa cấy hái, gặt lúa, đang chèo thuyền, lấy củi, ru con... Họ có thể hát bài hát do người khác sáng tác và cũng có thể là tác giả sáng tác ra những câu hát ấy. Trong ảnh: Hình thức diễn xướng hát lẻ của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được CLB xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) tái hiện lại đầy nghệ thuật qua tiết mục hát giặm "Lời bà ru".
Trên sân khấu, diễn xướng hát lẻ còn được đa dạng hoá bằng cách dàn dựng thêm các nhạc công. Trong ảnh: Tiết mục giặm "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" của CLB xã Đồng Thành (Yên Thành, Nghệ An)
Hát đối là hình thức hát đối đáp, giao duyên giữa nam và nữ, có thể diễn ra ở bất cứ không gian nào, trên ruộng đồng, sông nước, trên non cao hay giữa một cuộc gặp gỡ bên đường... Từ hát đối, các đôi trai gái ở làng này, làng nọ có thể kết bạn rồi nên duyên chồng vợ. Trong ảnh: Không sinh động bằng diễn xướng hát cuộc nhưng tiết mục hát đối "Trai Đan Chế - Gái vạn đò" của xã Thạch Tân (Thạch Hà) mang đến sự dí dỏm, chất phác trong lời ca
Hát cuộc cũng là hát giao duyên nam nữ nhưng có trình tự, quy cách, thủ tục chặt chẽ, thường diễn ra ở các phường nghề, trong lao động tập thể. Hát cuộc được coi là hình thức diễn xướng hay nhất, nhiều giá trị nhất của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ở những đám hát cuộc, trí tuệ tập thể được huy động tối đa, nhờ đó, dân ca ví, giặm có thêm nhiều bài hát thể hiện sự thông minh, dí dỏm, đậm ân tình người xứ Nghệ… Trong ảnh: Diễn xướng hát cuộc "Làng bún" của CLB dân ca ví giặm xã Tân Sơn (Đô Lương, Nghệ An) được dàn dựng công phu, tỉ mỉ đã tái hiện một cách chân thực và sinh động không gian văn hoá ví, giặm ở các làng nghề
Là một người chuyên sáng tác và dàn dựng các tiết mục dân ca ví giặm, tôi thấy việc dàn dựng tái hiện lại không gian, môi trường diễn xướng là một việc làm thú vị. Hát lẻ và hát đối thì rất dễ, riêng hát cuộc đòi hỏi người dàn dựng phải hiểu rõ về hoàn cảnh khởi phát, tìm hiểu các yếu tố liên quan đến không gian của các điệu hát để tìm kiếm đạo cụ, trang phục và biên đạo động tác cho các diễn viên. Sự xuất hiện của nhiều tiết mục diễn xướng hát cuộc trong kỳ liên hoan này cho thấy sự chịu khó tìm tòi, dàn dựng và ý thức bảo tồn vốn cổ của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm 2 tỉnh
Khởi điểm xuất phát của các hình thức diễn xướng dân ca ví, giặm chính là môi trường lao động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như cấy hái, dệt vải, đan lát, khâu nón, làm gốm, làm mộc… trong xã hội xưa. Trong ảnh: Tiết mục "Đêm trăng nước ngược" của xã Đồng Thành (Yên Thành, Nghệ An) tuy đạo cụ đơn giản nhưng vẫn thể hiện được hồn cốt của không gian đồng ruộng trong hoạt động canh nước của người xưa.
Theo cách đó, liên hoan dân ca ví, giặm hàng kỳ ở Hà Tĩnh và Nghệ An (tổ chức 2 năm 1 lần) đã tái hiện lại trên sân khấu rất nhiều không gian, môi trường diễn xướng độc đáo của ngày xưa. Tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV, có nhiều không gian diễn xướng được các câu lạc bộ ở 2 tỉnh dàn dựng và trình diễn. Có không gian giản dị và cũng có những không gian rất cầu kỳ về đạo cụ, trang phục. Trong ảnh: Tiết mục "Nhủi vó nên duyên" của xã Kỳ Giang (Kỳ Anh) là một trong những không gian diễn xướng độc đáo được khán giả yêu thích
Diễn xướng "Thợ đục" của phường Quang Phong - thị xã Thái Hoà (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã tái hiện lại tinh thần tập thể trong một cuộc hát giao duyên đầy trí tuệ, hài hước của ông bà xưa.
Trải qua những giai đoạn phát triển của nền kinh tế, xã hội, tự thân di sản văn hoá phi vật thể này cũng có sự biến đổi, thích nghi với thời đại. Từ diễn xướng dân gian, dân ca ví, giặm tồn tại dưới hình thức trình diễn nghệ thuật, trong đó, không gian diễn xướng được tái hiện lại trên sân khấu với các loại đạo cụ phù hợp với nội dung bài hát. Những người tham gia trình diễn dân ca ví, giặm hiện nay cũng không đơn thuần chỉ là nông dân mà có cả cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh... Trong ảnh: Không gian diễn xướng trong tiết mục "Trai làng mộc – Gái Bằng Sơn" của xã Thạch Bằng (Lộc Hà) để lại ấn tượng sâu sắc)
Sự tái hiện lại các không gian diễn xướng hát cuộc trên các sân khấu lớn nhỏ đã góp phần to lớn tạo sức hấp dẫn khán giả đối với loại hình nghệ thuật dân gian này. Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV đã và đang đón nhận sự xuất hiện của nhiều không gian diễn xướng hát cuộc đặc sắc, độc đáo của các địa phương đôi bờ ví, giặm. Đó là một trong những nguồn lực tạo sức sống mạnh mẽ cho dân ca ví, giặm trong đời sống xã hội. "Ví giặm làng đan" của xã Tùng Lộc (Can Lộc) là một trong những tiết mục được dàn dựng độc đáo, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả không chỉ ở không gian diễn xướng mà còn trong hiệu ứng âm nhạc từ chính các đạo cụ nghề đan.
Hôm nay (27/8), 7 CLB của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An tiếp tục tham gia biểu diễn với 21 tiết mục. 4 CLB dân ca của Hà Tĩnh gồm: xã Phú Gia (Hương Khê), Đức Giang (Vũ Quang), Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh), Đức Thịnh (Đức Thọ). 3 CLB dân ca của Nghệ An gồm: phường Vinh Tân (TP Vinh), thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ), xã Ngọc Sơn (Thanh Chương). Ban tổ chức sẽ chọn một số tiết mục đặc sắc để công diễn vào đêm trao giải 28/8. |