Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga ngày 13/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h00 ngày 15/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 254.009.067 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.114.949 ca tử vong.
Tổng số ca đã khỏi bệnh là 229.661.001 và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.233.117 ca, trong đó có 77.470 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 340.906 ca mắc và 4.404 ca tử vong. Nga là nước có số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 38.823 ca và 1.219 ca.
Anh là nước có số ca mắc mới cao thứ hai, với 36.517 ca, trong khi Đức là nước có số ca mắc mới cao thứ 3 (với 29.048 ca). Điều này cho thấy “làn sóng dịch mùa Đông” đang tấn công châu Âu.
Trước tình hình trên, báo The Times của Anh đưa tin chính phủ nước này dự kiến sẽ mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người dưới 50 tuổi.
Dự kiến trong ngày 15/11, Ủy ban Hỗn hợp về vaccine và miễn dịch (JCVI) của Anh sẽ thông qua quyết định. Tuy nhiên, báo trên không nêu chi tiết chương trình tiêm mũi tăng cường sẽ áp dụng đối với nhóm độ tuổi nào.
Trong khi đó, Chính phủ Litva đã thông qua đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc bắt buộc đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang bảo hộ trong không gian kín từ ngày 15/11.
Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng.
Trong 24 giờ qua, Litva ghi nhận thêm 1.433 ca mắc mới và 19 ca tử vong, trong đó có 16 ca chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều. Tỷ lệ lây nhiễm tại nước này trong vòng 14 ngày lên mức 1.233,2/100.000 người.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho các địa phương nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường (mũi thứ ba) dự kiến bắt đầu từ tháng sau.
Theo chủ trương của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, đối tượng được tiêm mũi tăng cường là những người trên 18 tuổi và đã kết thúc mũi tiêm thứ hai được trên 8 tháng.
Việc tiêm chủng sẽ được ưu tiên cho nhân viên y tế, người cao tuổi và sau đó là người lao động làm việc tại các cơ sở nhà máy, xí nghiệp.
Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Tel Aviv, ngày 6/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Israel đã “bật đèn xanh” cho phép bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Thông báo của Bộ Y tế Israel khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em cao hơn so với nguy cơ.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech đối với trẻ nhỏ, vaccine có hiệu quả lên tới 90,7% trong ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh.
Trước đó, nhà chức trách Israel đã tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, song quyết định hạ ngưỡng tuổi sau các cuộc thử nghiệm của hãng Pfizer và những khuyến cáo của một ủy ban khoa học Israel.
Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm Ai Cập (EDA) thông báo chính thức thử nghiệm lâm sàng vaccine COVI-VAX, đánh dấu loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do nước này tự sản xuất.
Theo EDA, vaccine COVI-VAX là sản phẩm hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu quốc gia (NCR) và Công ty Công nghệ sinh học vaccine Valley.
NCR bắt đầu đánh giá về chủng virus SARS-CoV-2 mới kể từ tháng 3/2020, sau khi phát hiện trường hợp công dân Ai Cập đầu tiên mắc COVID-19.
Đến tháng 5/2020, trung tâm này hoàn tất giải trình tự gene của virus và bắt đầu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19.
Đầu năm nay, truyền thông Ai Cập cũng đưa tin quốc gia này có kế hoạch sản xuất vaccine nội địa ngừa COVID-19, song không công bố thông tin chi tiết dự án.