Nhiều lao động bị thu hồi đất mong muốn được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhưng chưa tiếp cận được chính sách theo quy định.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011-2016, trên địa bàn tỉnh có 51.672 lao động bị ảnh hưởng việc làm do bị thu hồi đất. Trong đó, số lao động tiếp tục sản xuất nông nghiệp là 41.156 người (khoảng 1/5 trong số đó mong muốn thời gian tới được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề có việc làm ổn định); có 9.602 người tiếp tục làm công việc SXKD, đã tìm kiếm được việc làm, đi xuất khẩu lao động và các lĩnh vực khác. Số lao động chưa bố trí được việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định là 4.778 người.
Lý giải về kết quả giải quyết các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đạt thấp, ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, do nguồn kinh phí thực hiện các chính sách này được bố trí từ nguồn đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm của các dự án đầu tư hoặc phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) được phê duyệt nhưng Sở LĐ-TB&XH (cơ quan Thường trực tham mưu UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 52 và Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg) không được tham gia và không nhận được báo cáo phê duyệt của các cơ quan chức năng và các địa phương. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất được ban hành nhưng đến nay, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Liên quan đến chính sách GQVL, đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất, ngày 15/6/2016, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có quy định: “Người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, ngoại ngữ và làm các thủ cần thiết đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng gửi chủ đầu tư để được xem xét, giải quyết”. Quy định là vậy, tuy nhiên, ông Lạc cho rằng, người dân cần được hướng dẫn cụ thể để biết được chủ đầu tư trực tiếp là ai, địa chỉ ở đâu và thực hiện các thủ tục gì để đề nghị giải quyết chính sách theo Thông tư liên tịch số 09.
“Việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC do hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước thành lập thực hiện, chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Trong lúc đó, việc hỗ trợ học nghề, GQVL, đảm bảo an sinh xã hội của người dân là một quá trình lâu dài, vì vậy, cần phải có cơ quan, tổ chức quản lý nguồn lực thực hiện chính sách” - ông Lạc cho biết thêm.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất được hưởng thụ đầy đủ các chính sách về đào tạo nghề, GQVL theo quy định, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là hỗ trợ dạy nghề, GQVL cho người dân không chỉ trong thời gian trước mắt mà có thể kéo dài đến 5-10 năm sau kể từ khi có quyết định thu hồi đất, TĐC. Vì vậy, Hà Tĩnh đã thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, quỹ đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ người lao động học nghề, tìm kiếm việc làm và trực tiếp thanh toán chính sách cho người lao động. “Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu từ thực tiễn của Hà Tĩnh để có chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách phù hợp” - ông Lạc kiến nghị.